NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI THOẠI TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH 

Đối thoại trong giải quyết khiếu nại là hoạt động trao đổi, tranh luận giữa người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại (hoặc đại diện hợp pháp), người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan nhằm làm rõ các thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình giải quyết khiếu nại; tìm ra một giải pháp có tính đồng thuận và bảo đảm hiệu lực thi hành của các quyết định giải quyết. Thông qua hoạt động đối thoại, người giải quyết khiếu nại sẽ hiểu rõ hơn về nội dung vụ việc khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại để trên cơ sở đó, có hướng giải quyết khiếu nại một cách khách quan, đúng đắn, theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng các yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại đông người, vượt cấp, kéo dài còn diễn ra tại nhiều đơn vị, địa phương, tác động không nhỏ đến tình hình ANTT của xã hội. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối chỉ đạo đúng đắn, sát hợp, trong đó có sự quan tâm, chú trọng đến công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính.

Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể biện pháp đối thoại trong giải quyết khiếu nại, theo đó, việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu có thể được tiến hành nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau; trong giải quyết khiếu nại lần hai, việc tổ chức đối thoại phải được tiến hành nhằm làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Riêng đối với khiếu nại quyết định kỷ luật, thì việc tổ chức đối thoại là yêu cầu bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai. Mới đây nhất, Nghị định 124/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết về cách thức đối thoại và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc đối thoại giải quyết khiếu nại, cụ thể: “Đối với người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương phải trực tiếp đối thoại với người khiếu nại (không được ủy quyền cho cấp phó hoặc người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thực hiện như trước đây). Đối với người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp đối thoại trong trường hợp khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội). Đối với các trường hợp khác, người giải quyết khiếu nại có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại.

Người chủ trì đối thoại phải tiến hành đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan. Người chủ trì đối thoại khi đối thoại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, bổ sung thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Người chủ trì đối thoại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới người tham gia đối thoại gồm người khiếu nại, người đại diện (trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung) người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan về thời gian, địa điểm, nội dung đối thoại…”

Chỉ thị số 35/CT-TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng tiếp tục xác định: "Người đứng đầu tổ chức Đảng, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của công dân".

Như vậy, pháp luật coi việc tổ chức đối thoại như là một phương thức nhằm giúp làm rõ về nội dung khiếu nại, nắm bắt yêu cầu và quan điểm của các bên có liên quan đối với việc giải quyết khiếu nại, qua đó làm căn cứ để người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết. Cũng theo quy định của pháp luật, việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

Thời gian quan, hoạt động đối thoại đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực hành chính. Nhiều trường hợp khi tổ chức đối thoại với cơ quan nhà nước, người khiếu nại đã nhận thức rõ sự việc khiếu nại của mình không đúng pháp luật nên tự nguyện rút đơn khiếu nại hoặc đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ phát hiện những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý hoặc các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân mình là trái pháp luật, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với người khiếu nại. Thông qua việc tổ chức đối thoại, nhiều vụ việc khiếu nại được giải quyết dứt điểm, hạn chế tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều nơi, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa chú trọng công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại, không theo tinh thần mà pháp luật hướng tới. Hoạt động đối thoại chỉ dừng lại ở lắng nghe, trao đổi, ghi nhận ý kiến tham gia mà chưa hẳn giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Đa số cơ quan có thẩm quyền ít khi tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu (vì đây không phải thủ tục bắt buộc) mà chỉ tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần hai; có tình trạng cán bộ giải quyết không sâu sát, không đối thoại với dân khiến cho sự việc trở nên phức tạp; nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài vì cán bộ giải quyết không cho người dân giãi bày những điều mà họ cho là oan ức; nhiều nơi vẫn còn tâm lý ngại va chạm, né tránh đối thoại với dân; tại một số đơn vị, địa phương người đứng đầu không trực tiếp đối thoại mà “khoán trắng” cho cấp phó hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn tổ chức, chủ trì việc đối thoại, dẫn đến người dân bức xúc, phát sinh nhiều đơn thư…

Để phát huy vai trò việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại thời gian tới, kịp thời giải quyết những khiếu nại của công dân ngay từ cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Làm tốt công tác này là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ hai, công tác đối thoại phải được chú trọng thực hiện có trọng tâm, theo phương châm “gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân” và theo quan điểm, tinh thần của Luật Khiếu nại năm 2011: “Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó”.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước cũng được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tăng cường việc tổ chức đối thoại và nâng cao hiệu quả đối thoại trong giải quyết khiếu nại. Quá trình đối thoại phải trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, xây dựng, hướng đến giải quyết dứt điểm các vấn đề còn mâu thuẫn, chưa thống nhất.

Thứ tư, trách nhiệm, năng lực và kỹ năng của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết khiếu nại có tác động rất lớn đến hiệu quả đối thoại. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết khiếu nại, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cần được các đơn vị, địa phương chú trọng. Các cơ quan cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại hành chính.

Thứ năm, trách nhiệm tổ chức đối thoại của người giải quyết khiếu nại cần được coi là một trong những nội dung quan trọng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại; kịp thời phát hiện những trường hợp còn xem nhẹ việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại để có các biện pháp hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp xử lý kịp thời.

Thứ sáu, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về quyền tham gia đối thoại, quyền yêu cầu tổ chức đối thoại với người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại để trình bày quan điểm, nguyện vọng hoặc những vấn đề khác có liên quan đến nội dung khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại, qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đối thoại là phương thức thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch trong giải quyết khiếu nại; một hình thức cụ thể hóa tư tưởng “dân là gốc” của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta; thể hiện trực tiếp nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng đề cao pháp luật và tăng cường pháp chế. Với giá trị to lớn như vậy, việc chú trọng và tổ chức tốt công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần củng cố và tăng cường sự đoàn kết trong Nhân dân, khẳng định bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta: "Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân"./.  Ngọc Cư.

 

 

2406 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1410
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1410
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76693596