Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn”; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 17/8/2011 về việc tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 977/QĐ-UBND, ngày 11/5/2017 về việc bổ sung vào danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn với đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định 2423/QĐ-UBND, ngày 12/9/2019 về việc bổ sung nghề mới vào Danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Kế hoạch số 28/KH-UBND, ngày 05/02/2021 về Triển khai công tác Giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Nhất là thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025) kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng để tập trung vào thực hiện 6 dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Mường, Thái, Tày, Thổ, Cơ Tu, Ba Na, Hê rê… nhưng có 3 cộng đồng dân tộc chính, có số lượng dân số đông, bao gồm dân tộc Kinh, dân tộc Bru - Vân Kiều, dân tộc Tà ôi - Pa cô. Hai dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều và Tà ôi - Pa cô sinh sống chủ yếu ở vùng núi; tập trung nhiều ở huyện Hướng Hóa, Đakrông và 03 huyện có xã miền núi có người dân tộc thiểu số sinh sống là Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích đất rộng lớn, màu mỡ, khí hậu khá thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, rất tích hợp cho việc phát triển đa ngành, đa nghề. Tuy nhiên, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, giáo dục, y tế còn chậm phát triển. Tình trạng đói nghèo, thiếu việc làm vẫn còn xảy ra.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề có hiệu quả, như tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể Uỷ ban nhân dân các xã tổ chức ngày hội đào tạo nghề và việc làm để tuyên truyền, tư vấn chọn nghề, học nghề.
Do đó, người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học nghề để tự nguyện học các nghề phù hợp với năng lực, điều kiện, trình độ. Lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; được ̣tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiêp; thu nhập, năng suất lao động được cải thiện; nhiều lao động biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thưc hiện xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Quảng Trị đã có trên 55.800 lượt lao động nông thôn được đào tạo nghề. Sau đào tạo, đã có trên 75% lao động có việc làm.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề theo nhu cầu của các cơ sở, các doanh nghiệp cũng được chú trọng, các cơ sở dạy nghề đã hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo theo hình thức truyền nghề, kèm nghề và bố trí việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng lúa, đậu, lạc, vừng, trồng rau sạch, trồng hoa, kỹ thuật hàn, điện, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp và giúp việc gia đình.
Tuy nhiên, thực tiễn đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: nhận thức về việc làm, dạy nghề ở một số người lao động vẫn chưa cao, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, nguồn ngân sách địa phương thực hiện chương trình còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương thiếu thường xuyên, thực hiện chương trình việc làm, dạy nghề ở một số địa phương còn thiếu tính cụ thể, giải quyết việc làm cho lao động chuyển đổi nghề sau đào tạo còn nhiều khó khăn. Nhiều lao động đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm hoặc làm những công việc không phù hợp với ngành, nghề được đào tạo.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, các địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của chính phủ và địa phương về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở giáo dục, đa dạng hóa các hình thức giáo dục phù hợp với từng địa phương.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó, ưu tiên ngành nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông lâm sản và lĩnh vực phi nông nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, dịch vụ du lịch.
Thứ tư, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn phát triển kinh tế-xã hội với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ năm, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc thực hiện giám sát đối với công tác dạy nghề cho lao động người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách học nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo. Hải Nam