Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới 

(ĐCSVN) – Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và các địa phương để đưa chính sách, quy định mới đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN 

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về những nhiệm vụ giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Chính phủ xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là “kinh tế - xã hội và môi trường”. Xin Bộ trưởng cho biết từ thông điệp này, nhiều địa phương đã áp dụng 3 trụ cột phát triển được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tại Điều 4 (nguyên tắc bảo vệ môi trường), Luật BVMT 2020 quy định bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo vệ môi trường phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ nguyên tắc này, Luật BVMT 2020 đã quy định các nội dung hướng đến bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường, kinh tế và xã hội thông qua các quy định bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội phải gắn với BVMT thông qua các quy định từ cấp vĩ mô như các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, chiến lược BVMT, đánh giá môi trường chiến lược đến đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường...

Về phát triển kinh tế và BVMT, Luật BVMT 2020 đưa ra cách thức quản lý môi trường đối với các hoạt động phát triển kinh tế với cách tiếp cận theo mức độ tác động đến môi trường thông qua tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không tiếp nhận dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải. Đồng thời, Luật đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với dự án, cơ sở thân thiện với môi trường, không có tác động lớn đến môi trường.

Về mối quan hệ giữa phát triển xã hội và BVMT, Luật có nhiều nội dung chế định mối quan hệ này, như quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường có tính đến các yếu tố nhạy cảm môi trường là khu dân cư tập trung, di sản thiên nhiên...

Luật quy định BVMT khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử, không gian xanh, cảnh quan môi trường; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc giảm thiểu, phân loại chất thải; sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động BVMT.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về phát triển vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên để vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ môi trường.

Như vậy, Luật BVMT 2020 đã thể hiện rõ mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội và môi trường nhằm góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững.

PVThưa Bộ trưởng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Bộ trưởng có thể cho biết nội dung chính, cách thức tổ chức và hướng dẫn triển khai các Nghị định này để sớm đưa Luật BVMT vào cuộc sống?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: TL

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Để thực hiện các quy định của Luật và Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các thông tư theo thẩm quyền. Các văn bản này đã bảo đảm các quy định, hướng dẫn cần thiết để triển khai Luật BVMT. Tuy nhiên, để đưa ngay các chính sách của Luật đi cuộc sống, tôi cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, trong đó tập trung vào các hoạt động chính sau đây:

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật BVMT và văn bản hướng dẫn thi hành đến nhân dân và cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là các quy định mới như giấy phép môi trường, phân loại chất thải tại nguồn, thực hiện kinh tế tuần hoàn …

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động rà soát, sàng lọc, phân loại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật BVMT để có biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường.

Khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nền tảng số, kinh tế số về môi trường, biến đổi khí hậu; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, ngành, cấp tỉnh bảo đảm đồng bộ, tích hợp, kết nối, liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Rà soát các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần kiểm soát chặt chẽ về môi trường thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và Nghị định để thực hiện các biện pháp kiểm soát phù hợp, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và các địa phương để hướng dẫn, triển khai các quy định mới của Nghị định nhằm đưa các chính sách, quy định mới đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong tình hình mới.

PVBộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam khi thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà chúng ta đã tham gia?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn mang tầm chiến lược, kịp thời nắm bắt xu thế thời đại về phát triển các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, qua đó gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về con đường phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Điều đó, đã giúp chúng ta có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu, cũng như đáp ứng được sự thay đổi về “luật chơi” mới về thương mại, kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên,  để thực hiện được những cam kết trên còn có rất nhiều việc phải làm. Để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, chúng ta cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính  cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ như Hoa Kỳ, EU, Vương quốc Anh, các nước G7, các nước Bắc Âu,… trong đó có nhiều nước có quan hệ rất tốt đẹp và là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Đồng thời, cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp. Tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội…

Ngoài ra, chúng ta thấy rằng, nguồn lực tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu cũng còn rất khó khăn. Do đó, chúng ta cũng phải chủ động có các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp vào các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực trong nước rất thiếu.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.

PVTrân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 
Bích Liên
659 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 576
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 576
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87238385