Nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn 

Vấn đề nước sạch nói chung, nước sạch ở khu vực nông thôn nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm. Những năm gần đây, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã từng bước giảm được những lo lắng về việc thiếu nước sinh hoạt, nước không đảm bảo vệ sinh, bởi nhiều dự án nước sạch tập trung được đầu tư, đi vào hoạt động. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 97,5% và đến 2030 là 98%. Để đạt được mục tiêu này, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chương trình, chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trên cơ sở đó, tỉnh đã huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách địa phương, các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn lực của nhân dân để thực hiện các chính sách, đầu tư xây dựng các công trình, góp phần đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 35/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã  huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 200 công trình cấp nước tập trung nông thôn do cộng đồng, hợp tác xã và doanh nghiệp quản lý. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, việc quản lý, sử dụng các công trình luôn phát huy được hiệu quả. Nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn, được hỗ trợ thụ hưởng chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quan lý của Nhà nước. Nhờ vậy, nhận thức của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người về sử dụng nước hợp vệ sinh, thực hiện vệ sinh và bảo vệ môi trường, tập quán chăm sóc sức khỏe được cải thiện và ngày một nâng lên. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 57/101 xã và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,72 tiêu chí/xã, trong đó có 68 xã đạt tiêu chí môi trường, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 94,67%, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 57,14%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay sau một thời gian đưa vào vận hành, một số công trình không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, trong đó, một số công trình hư hỏng không được sửa chữa, sau đó bỏ hoang khiến người dân không có nước sạch để dùng, gây lãng phí nguồn vốn.

Vì vậy, thời gian tới, để thực hiện được chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh làn thứ XVII đã đề ra là tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2025 là 97,5% và đến năm 2030 là 98%, các ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước; tuyên truyền cho người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch nông thôn chuyển dần từ phục vụ sang dịch vụ để góp phần đảm bảo các chi phí cần thiết trong việc quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng đối với công trình.

Thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp cụ thể cho từng khu vực; vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn tham gia nạo vét, sửa chữa đường ống, cụm đầu mối, bể lọc nước và nạo vét các giếng đào; giữ vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Nghiên cứu xây dựng kế hoạch chống thất thoát, thất thu nước sạch theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước nông thôn tập trung. Từ đó có cơ sở để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình hiện có; tiếp tục huy động tổng lực các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là huy động nội lực trong nhân dân và nguồn vốn tín dụng; kết hợp mở rộng mạng lưới đường ống của công trình cấp nước thị xã, thị trấn để đấu nối vào công trình cấp nước nông thôn liền kề.

Đề xuất các giải pháp khắc phục một số công trìnhcấp nước tập trung không được quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả; xây dựng mới, hoàn thiện quy trình vận hành công trình và bàn giao đầy đủ quy trình vận hành, bảo dưỡng công trình cho đơn vị quản lý công trình; nghiên cứu các giải pháp gia tăng số đấu nối cấp nước, khai thác tối ưu công suất của công trình; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, quản lý, vận hành công trình; xây dựng Phương án giá tiêu thụ nước sạch của công trình theo quy định; có các giải pháp ưu tiên việc tu sửa, nâng cấp các công trình. Hải Đăng

1101 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 746
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022042