Có thể khẳng định, quyền con người đã được khẳng định là những giá trị bẩm sinh, vốn có của mỗi cá nhân con người, được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Nhân quyền hiện không chỉ là những “giá trị chung”, mà còn được xem là những “tiêu chuẩn chung”, “ngôn ngữ chung” của toàn nhân loại. Gần gũi với khái niệm quyền con người là khái niệm “quyền công dân”. Về bản chất, quyền công dân cũng chính là các quyền con người nhưng được pháp luật của các quốc gia ghi nhận và bảo vệ một cách cụ thể. Sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân thông thường chỉ thể hiện ở chỗ chủ thể của quyền công dân là những người mang quốc tịch của một quốc gia, còn chủ thể của quyền con người là tất cả mọi thành viên của nhân loại, không phân biệt quốc tịch.
Ngày nay, quyền con người, quyền công dân được xem là thước đo sự tiến bộ và trình độ văn minh của xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế và bản sắc văn hóa. Về lý luận cũng như thực tế, nhân quyền hay quyền cơ bản của con người, công dân là những quyền không thể thiếu để cá nhân có thể tồn tại và phát triển bình thường với tư cách là một thành viên của cộng đồng xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền con người, thông qua các khẩu hiệu đấu tranh cho “Việt Nam tự do”, quyền “tự do tổ chức”; “nam nữ bình quyền”, quyền phổ cập giáo dục, quyền của người công nhân chỉ làm việc 8 giờ/ngày... Trong Luận cương cách mạng Việt Nam thông qua tại Đại hội lần thứ II, Đảng đã khẳng định rõ mục tiêu bảo đảm mọi công dân đều: “...được hưởng quyền con người, dân quyền và tài quyền”. Mặc dù mới chỉ mang tính khái quát, song quan điểm, đường lối của Đảng thời kỳ này hoàn toàn phù hợp với nhận thức tiến bộ về quyền con người của cộng đồng quốc tế khi đó. Vấn đề bảo đảm quyền con người tiếp tục được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, nhất là từ khi đổi mới đến nay. Đặc biệt, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ..., bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực của nhân dân trong điều kiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ là làm chủ tập thể, mà trước tiên và cơ bản là làm chủ bản thân. Cho nên, trong phương hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, không chỉ chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, mà đồng thời phải chú ý đúng mức đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của con người, của công dân trong tổng thể các quan hệ nền tảng và có tính bình đẳng với thể chế pháp quyền của Nhà nước.
Trên cơ sở đường lối của Đảng, khái niệm “quyền con người” lần đầu tiên được hiến định tại Điều 50 Hiến pháp năm 1992: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Tuy nhiên, nếu như Hiến pháp 1992 các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội thể hiện ở quyền công dân thì ở Hiến pháp 2013 kế thừa và chỉ rõ quyền con người thuộc tất cả mọi người mà không dừng lại ở công dân và được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Như vậy, việc ghi nhận các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân ở vị trí chương 2 của Hiến pháp 2013 đã phản ánh xu thế hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của đất nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc tôn trọng và thừa nhận quyền con người và bảo vệ quyền công dân theo tinh thần luật pháp quốc tế và giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật đảm bảo những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này đã được Đảng ta khẳng định nhất quán trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp”. Đồng thời, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định quan điểm “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Điều đó có thể khẳng định, quyền con người, quyền công dân gắn liền với bản chất quyền lực của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước là phải bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mọi hoàn cảnh phù hợp với mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và xu hướng toàn cầu hóa hội nhập quốc tế toàn diện với cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân của các quốc gia. Trong đó, chú trọng đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân; nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật…
Trong giai đoạn hiện nay, việc bảo đảm quyền con người không chỉ như là một yêu cầu trọng tâm trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn là một yếu tố cốt lõi để bảo đảm sự ổn định chính trị dựa trên sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi Nhà nước ta cần thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ là cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân bằng các quy định pháp luật phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Một là, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về quyền con người để phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, không chỉ là phù hợp với các quy định chung trong các điều ước, mà còn với các khuyến nghị, quy tắc, tiêu chuẩn… về quyền con người do các cơ quan nhân quyền quốc tế ban hành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện, giám sát thực hiện và xử lý các vi phạm quyền con người, để bảo đảm tất cả các quyền con người đều được tôn trọng, bảo vệ trong thực tế.
Hai là, hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ và ghi nhận quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên. Thiết lập cơ chế bảo hộ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo Hiến pháp và các điều ước quốc tế về hợp tác lao động thông qua cơ quan đại sứ quán, lãnh sứ quán, hội người Việt Nam ở các quốc gia sở tại, phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam hướng về xây dựng quê hương đất nước. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội phê chuẩn các luật mới cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 làm cơ sở áp dụng bên cạnh sửa đổi, bổ sung, thay thế các luật không phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Ba là, thực hiện có hiệu quả phương châm mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng". Bởi vì, nhân dân là “tai mắt” của Đảng, nhân dân ở khắp mọi nơi, họ thường xuyên giám sát, theo dõi sát sao, vì vậy Đảng, Nhà nước ta phải thường xuyên lắng nghe nhân dân, lắng nghe các tổ chức quần chúng nhân dân, lắng nghe Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở. Để từ đó, Đảng và Nhà nước kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục các hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, hay thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vi phạm các quyền của công dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan thực thi quyền lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Trong đó, đổi mới quy trình lập pháp phải hướng đến mục tiêu con người, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị cho các đại biểu quốc hội, cán bộ, đảng viên làm công tác xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.
Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đồng thời, mục tiêu phát triển con người toàn diện đương nhiên phải xuất phát từ con người và “lấy con người làm trung tâm”. Nhưng nếu không bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như đã được thể chế trong Hiến pháp năm 2013, thì con người không thể chủ động, tích cực tham gia vào các công việc nhà nước và xã hội với tư cách là người là chủ - làm chủ. Do đó, bảo đảm quyền con người phải là khâu kết nối cần thiết, không thể thiếu giữa khâu lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện, có như vậy, mới thực sự là nhà nước pháp quyền xã hội vì nhân dân phục vụ và hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng trên nền tảng hệ thống pháp luật đồng bộ, tôn trọng và bảo vệ con người. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn