|
Toàn cảnh phiên họp
|
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song toàn ngành đã nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, sát thực, tích cực đổi mới, với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho công tác phòng, chống dịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và thực hiện cải cách hành chính.
Theo đó, việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2021 bảo đảm đúng quy định, minh bạch, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.
Về kế hoạch kiểm toán năm 2021 (188 cuộc), đến ngày 31/8, đã triển khai 144 cuộc. Tổng hợp sơ bộ đến 31/8, đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, năm 2022, KTNN xác định bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế trong khu vực và trên thế giới. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng.
Nhằm tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, KTNN đề nghị Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc Quốc hội và KTNN trong hoạt động thẩm tra các vấn đề quan trọng, các dự án luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện, phối hợp tốt với KTNN trong triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030); chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN, đặc biệt là việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước.
Thẩm tra báo cáo của KTNN, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và đạt được những kết quả tích cực.
Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị KTNN khẩn trương xây dựng, ban hành ngay từ đầu năm 2022 các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phân công, xác định lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các phương hướng, nhiệm vụ của KTNN trong năm 2022, trong đó cần bổ sung dự báo tình hình và xây dựng các kịch bản thực hiện kế hoạch KTNN trong năm.
KTNN quan tâm, bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn tại đơn vị, phục vụ chuyển đổi số, hướng tới thực hiện kiểm toán số.
Xây dựng kế hoạch kiểm toán và phương án tổ chức hoạt động của KTNN phù hợp, khả thi, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng đến nhiều địa phương, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN. Phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa thực hiện từ năm 2018 trở về trước.
Nguyễn Hoàng