Nâng cao giá trị trái cây Việt qua chế biến 

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội rau quả Việt Nam, Rieckermann Việt Nam và các chuyên gia trong ngành chế biến tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp – Vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này”.

 

Đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến giúp trái cây tăng giá trị - Ảnh: minh họa

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt,  Bộ NN&PTNT, cùng với sự tăng về diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Từ con số vài trăm triệu USD/năm, đến năm 2016 đã đạt con số 2,45 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% giá trị XK. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK rau quả của Việt Nam đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu XK dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật như: Kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn do chưa có các công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay, ngành sản xuất cây ăn quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, các sản phẩm qua chế biến còn ít…

Một trong những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến trái cây đang phải đối mặt là công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tại hội thảo, Rieckermann Việt Nam – nhà cung cấp giải pháp công nghiệp hàng đầu đã mang đến 2 công nghệ tiên tiến nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường chế biến trái cây như hiện nay. Chia sẻ về công nghệ chế biến trái cây nhiệt đới từ năm 1936, ông Roberto Benvenuti, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh và Marketing Bertuzzi Food Processing (Italia) cho biết: Công nghệ của Bertuzzi giúp tăng chất lượng sản phẩm và hiệu suất thu hồi thông qua việc sử dụng các máy móc và thiết bị chuyên dụng phù hợp với từng loại trái cây.

Đối với công nghệ chế biến nước quả áp suất cao, ông Jorge Marraud Pascual, Chuyên gia công nghệ thực phẩm, Giám đốc kỹ thuật bán hàng châu Á Hiperbaric (Tây Ban Nha) cho hay, có mặt tại thị trường từ năm 1999, cho đến nay, các máy công nghệ của Hiperbaric đã được lắp đặt tại 36 quốc gia và 5 châu lục. Một trong những công nghệ phát triển thành công nhất hiện nay là công nghệ xử lý nước ép bằng áp lực áp suất cao, đảm bảo giữ nguyên vẹn dinh dưỡng cũng như hương vị của nước ép trái cây nguyên chất và tăng hạn sử dụng cho sản phẩm.

Việt Nam xác định trái cây là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Định hướng chung toàn ngành đặt ra là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất cây ăn quả nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK.

Đỗ Hương

1287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87228686