Dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao là các dân tộc thiểu số rất ít người, tập trung trên địa bàn 88 thôn, bản tại 27 xã, thuộc 9 huyện của 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Địa bàn sinh sống của đồng bào chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn tỉnh Hà Giang và dọc tuyến biên giới Việt - Lào của tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Đây là những nơi vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, thường xuyên xảy ra thiên tai, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, điều kiện sống phụ thuộc vào thiên nhiên.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” (Đề án). Thời gian thực hiện Đề án từ 2011 - 2020, nhằm mục đích: Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo tiến tới thoát nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia.
Mặc dù được phê duyệt từ cuối tháng 9/2011 nhưng phải đến năm 2013, Đề án mới được Trung ương phân bổ vốn cho các địa phương thực hiện. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, qua 6 năm thực hiện, tổng kinh phí UBND các tỉnh đã giao thực hiện là trên 419 tỷ đồng/1.042,8 tỷ đồng, đạt 40,1% tổng nguồn kinh phí thực hiện.
Một góc bản Tả Khố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: PL
Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 4 dân tộc thiểu số rất ít người. Đề án đã tạo được một số chuyển biến tích cực ở vùng đồng bào Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao:
Về y tế: tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 20% (Hà Giang, Điện Biên); tỷ lệ bác sĩ, y sĩ sản nhi được tăng cường cho trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng đạt 100% (Hà Giang, Điện Biên).
Về giáo dục: tỷ lệ thôn bản có trường, lớp học kiên cố đạt gần 80%; 100% người dân mù chữ tại các bản đều được học các lớp xóa mù chữ và tiếng phổ thông theo quy mô thôn bản; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi tăng lên.
Về cơ sở hạ tầng: đường giao thông thôn bản được cứng hóa, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng: Điện Biên đạt tỷ lệ 100%, Lai Châu 63,8%; tỷ lệ thôn bản có điện sinh hoạt 78,3%; tỷ lệ thôn bản có nước sinh hoạt 92,8% (Lai Châu), Điện Biên 60%; tỷ lệ hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà theo Đề án đạt 100% (Điện Biên), 48,6% (Lai Châu).
Về văn hóa: tỷ lệ thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 62,3% (Lai Châu).
Hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn và củng cố; không còn tình trạng “trắng” đảng viên, 100% thôn bản có chi bộ Đảng, công an viên; 100% cán bộ xã có trình độ trung cấp trở lên; khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững, niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được củng cố, góp phần ổn định an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Nước sạch được đưa về thôn bản của đồng bào Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Ảnh: PL
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, Đề án còn nhiều mục tiêu chưa hoàn thành:
Tỉnh Lai Châu: tỷ lệ thôn bản có đường giao thông được cứng hóa mới đạt gần 64%; tỷ lệ thôn bản có nhà bán trú cho học sinh 39,1%; tỷ lệ hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà ở 48,6%; tỷ lệ thôn bản có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm đạt 69,6%; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Mảng, La Hủ, Cống 38,6%.
Tỉnh Điện Biên: tỷ lệ nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản 0%; tỷ lệ nhà bán trú cho học sinh 20%; tỷ lệ hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở 40%; tỷ lệ cán bộ người dân tộc Cống 20%.
Tỉnh Hà Giang: tỷ lệ thôn bản có đường giao thông được cứng hóa 25%; tỷ lệ thôn bản có điện, nước sinh hoạt 23,1%; tỷ lệ thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng 27,3%.
Khó khăn chung hiện nay là 3 tỉnh triển khai Đề án đều là những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao: Lai Châu 73,2%, Điện Biên 56,2%, Hà Giang 51,1%, hàng năm phải nhờ sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70-80%. Từ năm 2016, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 1023 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giảm số lượng chương trình hỗ trợ mục tiêu từ ngân sách trung ương, chuyển một số nhiệm vụ ngân sách trung ương hỗ trợ về nhiệm vụ cân đối ngân sách địa phương để thực hiện, trong đó có Đề án, do đó đã ảnh hưởng đến các địa phương trong việc tự cân đối phân bổ vốn hàng năm.
Bên cạnh đó, mục tiêu, danh mục của Đề án nhiều, các nội dung hỗ trợ khảo sát từ năm 2009 có định mức hỗ trợ thấp, trong khi trên thực tế giá cả thị trường có nhiều biến động. Đời sống của các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao có xuất phát điểm quá thấp, lại chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu vì vậy chưa đủ lực vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Để tập trung đẩy nhanh hoàn thành các nội dung mục tiêu của Đề án, Ủy ban Dân tộc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang chủ động trong cân đối ngân sách địa phương ưu tiên bố trí vốn đầu tư triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao./.
Phương Liên