Quảng Trị là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa toàn diện. Các địa phương, đoàn thể trong tỉnh xem xây dựng đời sống văn hoá là việc làm quan trọng, xuyên suốt của tổ chức mình. Triển khai sáng tạo phong trào thông qua việc lồng ghép chặt chẽ vào nhiệm vụ của ngành, đơn vị gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt khác tạo sức mạnh tổng hợp để lấy sức dân mà chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho dân.
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về tổ chức thực hiện công tác gia đình và xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội. Các lớp tập huấn được cán bộ văn hóa cơ sở đánh giá cao.
Đến ngày 30/12/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có: 154.723/167.963 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,1%; 98,7 % thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; 94,1 % cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 57/101 xã chiếm 56,4 % xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 37,5 % phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 80 % xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao; 94,9% làng, bản, khu phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao, 64,6% Nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch2.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 115 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, Có 101/125 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao sau khi sáp nhập, sắp xếp theo quyết định UBND tỉnh, đạt tỷ lệ 80%; có 24 xã, phường, thị trấn chưa có Trung tâm văn hóa - thể thao. Có 978 Nhà văn hóa - khu thể thao cấp thôn; sau khi sắp xếp lại có 759/799 làng, bản, khu phố có Nhà văn hóa- khu thể thao đạt tỷ lệ 94,9%, có 40 làng, bản, khu phố chưa có Nhà văn hóa- khu thể thao, có 632/759 Nhà văn hóa- khu thể thao đạt chuẩn, tỷ lệ 83,2%, có 346 Nhà văn hóa- khu thể thao chưa đạt chuẩn3.
Công tác quy hoạch lễ hội: Cho đến nay Quy hoạch Lễ hội tại Quảng Trị không thực hiện vì các lễ hội (từ năm 2008) nghèo về loại hình, số lượng ít. Toàn tỉnh chỉ có đơn lẻ các lễ hội dân gian truyền thống của người Việt như Chợ Đình Bích La ở Triệu Phong; Lễ hội Cầu Ngư ở một số làng biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng; Lễ hội Ariêuping của dân tộc Pako; Lễ hội Arapựt của dân tộc BruVân Kiều và một số lễ hội cách mạng như Lễ hội thống nhất non sông tại di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Lễ hội hoa đăng tại dòng sông Thạch Hãn; Lễ Kiệu La Vang và Lễ giỗ Tổ đình sắc Tứ Tịnh quang thuộc vào hoạt động của tôn giáo.
Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng đã lập được 04 di tích Quốc gia đặc biệt (trong đó có 28 di tích thành phần); 04 di tích cấp Quốc gia (trong đó có 13 di tích thành phần) và 19 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị thành 4 di tích Quốc gia đặc biệt (có 30 di tích thành phần), 21 di tích Quốc gia (có 30 di tích thành phần) và 472 di tích cấp tỉnh4.
Đến năm 2020 đã có 04 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận, gồm: Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1, Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2, Tượng Uma Dương Lệ và Trống đồng Trà Lộc. Tính đến nay, tổng số hiện vật của Bảo tàng hơn 33.000 hiện vật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh Quảng Trị như: Việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa vào đời sống xã hội ở một số địa phương còn chậm, chưa được chú trọng. Một số cán bộ vẫn coi nhẹ vai trò và tác dụng của văn hóa đối với đời sống tinh thần của Nhân dân. Do nhận thức như vậy nên việc quan tâm, đầu tư những thiết chế, đào tạo nguồn nhân lực dành cho văn hóa vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tại. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hoá, thông tin và thể thao trên địa bàn hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng hoạt động thể thao, hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động; hoạt động quảng cáo thực hiện trên địa bàn tuỳ tiện, vi phạm trật tự văn minh đô thị. Tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa đạt khá cao, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội và tệ nạn diễn biến ngày càng phức tạp. Các biểu hiện thiếu văn minh, văn hoá, thiếu tự giác trong sinh hoạt và giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn diễn ra. Phần lớn hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được xây dựng từ lâu do đó đã và đang xuống cấp, hệ thống phương tiện nghe nhìn chưa đồng bộ, việc khai thác, sử dụng các thiết chế hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện có hiệu quả hơn việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh Quảng Trị, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo về văn hóa của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò điều hành của cấp chính quyền, sự tham mưu, chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp là điều kiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào trong giai đoạn mới, phải thật sự xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp, mỗi ngành, gắn với phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, để tạo ra động lực mạnh mẽ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương hàng năm.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận dụng có hiệu quả những văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước các cấp về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhấn mạnh vào việc thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW gắn với Chương trình hành động số 100-CTHĐ/TU, ngày 16/10/2014 của BCH Đảng bộ tỉnh quảng Trị khóa XV thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Củng cố duy trì và đẩy mạnh phát triển các hoạt động đội văn nghệ - thể thao, nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố; các hoạt động văn nghệ - thể thao nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, ngày truyền thống của ngành, đoàn thể.
Thứ ba, xây dựng được tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở trên một số cương vị công tác cụ thể. Cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ văn hoá cho các cán bộ văn hoá cơ sở; đồng thời có kế hoạch bổ sung đội ngũ lâu dài. Phát huy vai trò vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… làm nòng cốt trong quá trình thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Thứ tư, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bằng cách bổ sung kinh phí khen thưởng từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; đơn vị đạt chuẩn văn hóa cho Liên đoàn Lao động tỉnh; kinh phí khen thưởng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn làng bản và tương đương.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở quảng Trị trong những năm qua đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, thành phố, đời sống người dân. Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng lan tỏa. Đồng thời, hoàn thiện và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, tạo động lực để phát triển văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Thanh Nhạn
[1] Đảng bộ Quảng Trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kì 2020-2025. [2] UBND tỉnh Quảng Trị, Báo cáo Kết quả thực hiện các Quyết định của TTCP lên quan đến hoạt động phong trào TDDKXDDSVH có hiệu lực đến năm 2020.
[3] Sở VHTT và DL Quảng Trị, Báo cáo Tổng kết “Phong trào TDXDDSVHCS” năm 2020.
[4] Sở VHTT và DL Quảng Trị, Báo cáo Tổng kết việc thực hiện NQ 05/2009 NQ-HĐND ngày 24/04/2009, năm 2020.