Thực hiện chính sách người có công, từ năm 2014 đến nay toàn quân đã xác lập được trên 6.000 hồ sơ xác nhận người có công, trong đó xác lập gần 600 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ (đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 300 trường hợp); xác lập trên 5.000 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh (đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hàng tháng đối với trên 1.500 trường hợp); xác lập gần 300 hồ sơ đề nghị xác nhận bệnh binh (đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp đối với trên 250 trường hợp), tạo điều kiện cho đối tượng kịp thời được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo sự ổn định chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân và đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tuy nhiên, ở một số đơn vị, địa phương việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; việc tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách chưa sâu rộng; hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ còn đơn giản, thiếu cụ thể; chất lượng xác lập hồ sơ còn nhiều hạn chế; việc tổ chức tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ của đối tượng chưa chặt chẽ, khoa học, kịp thời. Do vậy, số lượng hồ sơ chưa được xét duyệt, thẩm định ở các cấp còn lớn, gây bức xúc cho đối tượng.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân và khó khăn trong quá trình xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ ở các cấp, nhưng chủ yếu là: Quy trình tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ qua nhiều cấp (từ cấp xã đến cơ quan Bộ Quốc phòng). Một số đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm quy định về thời gian xét duyệt, thẩm định; khi tiếp nhận công văn, đơn thư đề nghị xác minh, cung cấp thông tin về trường hợp hy sinh, bị thương thì chưa tích cực thực hiện; có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm lên trên, làm cho hồ sơ của đối tượng chậm được xem xét, giải quyết. Nhiều đối tượng hy sinh, bị thương, bị bệnh đã hàng chục năm nay, nay mới lập hồ sơ; nhiều trường hợp không cung cấp đầy đủ về các thông tin, do đó phải xác minh, kiểm tra ở nhiều địa phương, đơn vị; việc lưu trữ hồ sơ của các cơ quan, đơn vị trong chiến tranh, kể cả sau chiến tranh không đầy đủ; nhiều đơn vị Quân đội đã giải thể, sáp nhập nên rất khó khăn trong việc xác minh, kết luận; hồ sơ giấy tờ của đối tượng cũ nát, có nhiều giấy tờ phải trưng cầu Giám định kỹ thuật hình sự hoặc gửi về đơn vị cũ để xác minh; đặc biệt có trường hợp cố tình khai man, giả mạo để trục lợi hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Xuất phát từ tình hình trên, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, kịp thời giải quyết quyền lợi cho đối tượng, Tổng cục Chính trị đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị làm tốt một số nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; nhất là quy trình, quy định, thủ tục hồ sơ trong việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp về việc xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ của đối tượng, xác minh những thông tin có liên quan; đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định ở các cấp; Tiếp tục làm tốt việc tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ của đối tượng ở các cấp bảo đảm công khai, dân chủ; trường hợp nào rõ thì làm trước, chưa rõ thì tổ chức kiểm tra, xác minh, làm sau; những trường hợp phải xác minh hoặc trưng cầu Giám định kỹ thuật hình sự thì xác minh, Giám định kỹ thuật hình sự kịp thời; chấp hành nghiêm quy định về thời gian xét duyệt, thẩm định ở từng cấp; Bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách hợp lý; tăng cường bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực và tác phong công tác; đối với đơn vị có nhiều hồ sơ của đối tượng, cần tăng cường cán bộ kiêm nhiệm xét duyệt, thẩm định hồ sơ để bảo đảm thời gian theo quy định; Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong việc tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định, quản lý hồ sơ; khắc phục hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm; kịp thời phát hiện sai sót; kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, làm trái quy định; xử lý nghiêm túc các trường hợp khai man, trục lợi hoặc có hành vi vi phạm.

Tích cực, nỗ lực tập trung xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng và thân nhân của người có công sớm được thụ hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước là bổn phận, trách nhiệm, đồng thời là thể hiện tình cảm thiết thực, sự tri ân của những người làm công tác chính sách, của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong Quân đội đối với người có công với cách mạng./.

Đại tá Đặng Danh Hưng