Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn-Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Năm 2016, lực lượng lao động Việt Nam là 47,7 triệu người. Song chất lượng lao động chưa cao, còn thiếu lao động có tay nghề. Năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp cộng với trình độ ngoại ngữ của họ lại yếu.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Liên minh EU là đối tác kinh tế lớn quan trọng của Việt Nam. Gần đây, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch lên đến 34 tỷ USD năm 2016, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,1 tỷ USD năm 2016.
TS. Đào Quang Vinh-Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội(LĐXH) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Qua khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp của Viện Khoa học LĐXH cho thấy đa số người lao động đang thiếu hụt các kỹ năng cần thiết (cả về kỹ thuật và kỹ năng làm việc cốt lõi khác). Trong đó, thiếu hụt kỹ năng làm việc cốt lõi nhiều hơn so với kỹ năng kỹ thuật.
Cũng theo ông Vinh trong thời gian sắp tới, lao động Việt Nam sẽ phải chịu tác động kép của quá trình toàn cầu hoá, tự do hoá và cách mạng công nghiệp 4.0. Tác động kép này khiến những công việc cần lao động tay nghề thấp, công việc giản đơn có nguy có bị thay thế, tỷ lệ mất việc làm sễ tăng. Song nếu xét về khía cạnh lao động việc làm thì đây cũng là một cơ hội cho lao động Việt Nam, cơ hội có thêm việc làm có chất lượng cao hơn. Đồng thời, từ phát triển kinh tế, Nhà nước có thêm nguồn lực để đầu tư các chương trình an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đều nhất trí cho rằng: Nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ hiệp định thương mại thế hệ mới này, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thì một trong các nhân tố quan trọng là nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các Công ước Quốc tế và tiêu chuẩn lao động Quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) một cách nghiêm túc./.
Tin, ảnh: Ngọc Cầm