Như vậy, hiện nay toàn tỉnh có 49 tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh), 189 hội cấp huyện và 1.481 hội cấp xã, phường, thị trấn, ngoài ra các tổ chức hội đã thành lập hơn 7.300 chi hội với 365.000 hội viên. Giai đoạn 2017 - 2020, sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiến hành sắp xếp, giải thể, sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức hội còn lại có tính chất, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động gần giống nhau hoặc hoạt động không hiệu quả, không đúng quy định. Hiện nay, sẽ tiến hành rà soát cắt giảm chỉ tiêu biên chế các hội sau khi sắp xếp theo đúng quy định. Đối với các hội còn lại chưa sắp xếp đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017-2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp và tiến hành thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động.
Các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có hình thức tổ chức khá đa dạng, song có thể khái quát thành 05 loại hình: Tổ chức chính trị - xã hội: 03 hội; Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp: 05 hội; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp: 25 hội; Tổ chức kinh tế: 01 hội; Tổ chức xã hội: 15 hội.
Các tổ chức hội hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, văn hoá, thể thao, nông nghiệp, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật...
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp, các ngành, các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, chất lượng hoạt động không ngừng được nâng lên với các hình thức phong phú và nội dung thiết thực, đa dạng về loại hình, thu hút đông đảo hội viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia vào các nhiệm vụ phát triển của tỉnh và thực hiện các hoạt động, phong trào của hội.
Trong tổ chức và hoạt động, các hội đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ hội; tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 102-KL/TW, ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị “về hội quần chúng”, Chương trình hành động số 62-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác hội quần chúng.
Bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, các hội đã đề ra kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của hội; tập trung đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường củng cố tổ chức, phát triển hội viên, xây dựng quỹ hội, thực hiện ngày càng tốt hơn nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động; phát huy vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, và quần chúng nhân dân; tích cực tham gia tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nổi bật là các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, góp phần vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hội quần chúng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nội dung, phương thức hoạt động của một số hội chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chưa tổ chức được nhiều hoạt động lớn, có ý nghĩa thiết thực. Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến hội viên, quần chúng nhân dân cũng như việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của hội viên, Nhân dân ở một số tổ chức hội chưa sâu rộng và kịp thời. Một số hội hoạt động còn hình thức, chưa thực hiện đúng Điều lệ, không tổ chức sinh hoạt định kỳ, hoạt động không thường xuyên, liên tục; chưa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như chưa phát huy tốt tính năng động, sáng tạo, tự chủ của hội viên; kinh phí hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của một số hội chưa được đảm bảo; công tác vận động, tập hợp quần chúng tham gia vào các tổ chức hội chưa cao. Một số hội chưa chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ đảng, chính quyền lãnh đạo, định hướng về tổ chức, hoạt động của hội.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội quần chúng trong thời gian tới, BanThường vụ Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức hội quần chúng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, Chương trình hành động số 62-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến công tác hội quần chúng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm đối với các hội quần chúng; xác định công tác hội quần chúng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên.
- Các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của hội quần chúng, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của địa phương, đơn vị. UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao, rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý, từ đó có những biện pháp cụ thể để hướng dẫn và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội của các tổ chức hội, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hội quần chúng thực hiện tốt công tác tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân trong tình hình mới; tham gia thực hiện hiệu quả, thiết thực các cuộc vận động, các phong trào thi đua và các hoạt động của hội đồng thời góp phần xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt vai trò chủ trì phối hợp giữa các tổ chức thành viên và các hội quần chúng thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
- Các hội quần chúng cần thường xuyên củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức bộ máy, cán bộ ở các cấp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên đáp ứng yêu cầu của công tác hội trong tình hình mới. Tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ hội để xây dựng quy hoạch, đồng thời đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ hội. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu cấp uỷ, chính quyền xây dựng đội ngũ cán bộ hội có phẩm chất, năng lực, tâm huyết và am hiểu sâu sắc về lĩnh vực hoạt động chính của hội.
- Các hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực, sát với tình hình thực tiễn, tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Thường xuyên nắm bắt tình hình hội viên, quần chúng nhân dân để kịp thời phản ánh, tham mưu, đề xuất cấp uỷ đảng, chính quyền chỉ đạo giải quyết. Hoạt động của hội phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên và cộng đồng; không ngừng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức hội, hội viên cũng như tăng cường đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên và quần chúng nhân dân. Các hội cần tiếp tục chủ động phối hợp hoạt động với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát huy tiềm năng, sự năng động, sáng tạo tham gia vào thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; các phong trào thi đua; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật... góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Thủy Phương