Quảng Trị là một tỉnh thuần nông, tỷ trọng lao động nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 62% trong cơ cấu lao động việc làm của tỉnh, vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, gắn với xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Hiện nay, lực lượng thanh niên toàn tỉnh Quảng Trị hơn 125.000 người, chiếm 20,25% dân số và 30% lực lượng lao động của tỉnh. Thanh niên Quảng Trị đã và đang đóng vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nhà.
Xác định đồng hành cùng thanh niên về nghề nghiệp, việc làm là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các tổ chức đoàn, nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, trong thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã sớm triển khai các chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng, như: Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; định hướng, khuyến khích tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo cho đoàn viên, thanh niên…Chính những hoạt động thiết thực này, mà đến nay, trên khắp các địa phương trong tỉnh, nhiều loại hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả; những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập vài trăm triệu đồng trên năm đã ra đời; các chương trình giao lưu, toạ đàm, trao đổi, các khoá học, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất được tổ chức ở nhiều cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh; Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho đoàn viên, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, các cấp tổ chức đoàn cũng tổ chức tìm kiếm, phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, hỗ trợ hiện thực hoá các mô hình khởi nghiệp khả thi của thanh niên; tư vấn, hỗ trợ thông tin, thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách và những kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Cùng với đó, Tỉnh đoàn và các tổ chức đoàn địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, vinh danh các doanh nhân trẻ và đoàn viên, thanh niên có mô hình kinh tế tiêu biểu, đổi mới sáng tạo...
Với sự nỗ lực của các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh, sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần tạo khí thế mới cho đoàn viên, thanh niên về lập thân, khởi nghiệp, lập nghiêp. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn tổ chức rà soát, lập hồ sơ đối với các hộ đoàn viên, thanh niên có nhu cầu thành lập mô hình phát triển kinh tế giải quyết việc làm, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời phổ biến cho đoàn viên thanh niên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị tổ chức được nhiều diễn đàn về phong trào khởi nghiệp như: Phối hợp với Sở Công thương tổ chức Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp với thương mại điện tử”; bảo trợ cho LE Qinsiders tổ chức Chương trình thực tập sinh mùa hè, Hội thảo “Khi đam mê gặp nghề nghiệp”.... qua đó đã có hàng trăm đoàn viên, thanh niên được vay vốn để xây dựng mới các mô hình chăn nuôi heo, bò, dê, cá, tạo việc làm mới, mang lại thu nhập và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, rút kinh nghiệm, như: Nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên chưa thực sự phong phú, đa dạng, chất lượng và hiệu quả; đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm thông tin về các chương trình, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dành cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Sự mạnh mẽ tìm tòi và tư duy, quyết tâm khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế của nhiều đoàn viên, thanh niên chưa thực sự rõ ràng. Bên cạnh đó, trình độ kiến thức, kỹ năng, phương pháp của một số cán bộ đoàn, hội còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo… Từ đó, mà hiệu quả và chất lượng thực tế còn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Xuất phát từ thực trạng đó, để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo cho đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh nhằm hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện, giúp đỡ bằng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách của các bộ, ban, ngành, địa phương, cũng như các cấp bộ, tổ chức đoàn từ Trung ương đến cơ sở, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh cần quan tâm đến một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, các cấp bộ đoàn cần cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, nhất là, khuyến khích xu hướng khởi nghiệp, lập nghiệp bằng việc áp dụng, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, để từ đó thúc đẩy phong trào thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, nhất là ở nông thôn và tạo sự lan toả cổ vũ phong trào khởi nghiệp của người dân. Đặc biệt, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các giai đoạn, các chương trình hành động của Trung ương Đoàn về “Thanh niên khởi nghiệp” trong giai đoạn hiện nay; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan đơn vị, nhất là, các nhà trường và cơ sở giáo dục, đào tạo… tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, định hướng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, các thông tin, cơ chế, chính sách, xu thế, yêu cầu về khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo cho đông đảo các tầng lớp đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, cần khai thác hiệu quả và thiết thực những thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong quá trình tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên, như: Việc tuyên truyền, giới thiệu trên website, cổng thông tin điện tử của tổ chức đoàn, các trang Fanpage… về những chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp về hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh việc tuyên truyền, định hướng tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, duy trì hiệu quả hoạt động của các loại hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp trong các cấp bộ đoàn. Việc tìm kiếm và phát triển ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó được ví như “cửa ngõ của sự khởi nghiệp”. Chính vì vậy, các cấp bộ đoàn cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, kết nối ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niênvới các nhà đầu tư, các đối tác kinh doanh tiềm năng và triển vọng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, kết nối để thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, các chuyên gia, doanh nhân thành đạt với các cấp bộ, tổ chức đoàn nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong hợp tác, trao đổi, nắm bắt, cập nhật thông tin, kiến thức và kỹ năng mới cũng như việc hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp khả thi của đoàn viên, thanh niên.
Thứ ba, làm tốt công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên, huy động các nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và triển khai các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ, giám sát, khuyến nghị, thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách về nghề nghiệp, việc làm cho đoàn viên, thanh niên, giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận nhanh nhất các nguồn vốn vay để lập nghiệp. Bên cạnh giải pháp về vốn, đề nghị các tổ chức đoàn, phối hợp các ngành liên quan tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, chú trọng việc trang bị, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Mặt khác cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức về pháp luật nói chung, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng cho đoàn viên, thanh niên, những người có ý tưởng khởi nghiệp.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thành công để nhân rộng các điển hình tiêu biểu làm hạt nhân dẫn dắt phong trào thanh niên khởi nghiệp. Mặt khác, về phía thanh niên, cần hưởng ứng và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực cho hoạt động khởi nghiệp, chủ động tiếp cận chương trình, tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và vận dụng những kiến thức được đào tạo tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh để lập nên các dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn cao.
Với các chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của tuổi trẻ, tin tưởng rằng trong thời gian tới, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên, thanh niên Quảng Trị sẽ đạt được nhiều thành công góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiêm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh đã đề ra góp phần đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững./. Tân Linh