Nâng cao chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ – nhân tố quyết định đến sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà 

Văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nâng cao giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn là yêu cầu đặt ra đối với mọi thời đại. Trong đó, nhân tố quan trọng làm nên một tác phẩm có giá trị chính là chất lượng của đội ngũ văn nghệ sĩ - những người sáng tạo nên tác phẩm ấy.

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo điều kiện để người nghệ sĩ tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa chiều và tinh hoa văn hóa thế giới. Với số lượng văn nghệ sĩ lên đến 42.000 người (trung ương khoảng 19.000 người; tỉnh, thành phố khoảng 23.000 người), đội ngũ văn nghệ sỹ thực sự là một lực lượng hùng hậu, là nguồn chất xám quý báu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình mới, đại bộ phận văn nghệ sĩ cả nước vẫn kiên định, vững tin đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới; gắn bó sâu sắc với đời sống của Nhân dân và các giá trị truyền thống, đạo lý, nhân văn của dân tộc. Thông qua tác phẩm của mình, văn nghệ sĩ đã thể hiện những nét mới trong sáng tạo nghệ thuật; kịp thời biểu dương những nhân tố mới, con người mới, những tấm gương lao động cần cù, sáng tạo, nghĩa tình… có tác dụng động viên, khích lệ, nâng đỡ con người, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách con người Việt Nam hôm nay. Nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng được các tác giả đầu tư thời gian, công sức sưu tầm, bổ sung nhiều tư liệu mới; tác phẩm có giá trị sử thi nhưng lại được trình bày bằng bút pháp nghệ thuật mới, sinh động, giàu giá trị nhân văn, sâu sắc. Cùng với đó, đội ngũ văn nghệ sỹ còn mạnh dạn phê phán các biểu hiện suy thoái tư tưởng, những việc xấu làm xói mòn nét đẹp văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống; đấu tranh không khoan nhượng đối với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch; nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng tác phẩm kể cả về nội dung và hình thức.

Hòa mình vào dòng chảy chung của cả nước, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo văn học Việt Nam hôm nay.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị hiện có trên 243 hội viên, trong đó có 127 hội viên là đảng viên, có nhiều hội viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành Trung ương; năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ dồi dào. Đa số hội viên có tinh thần yêu nước, quê hương, gắn bó máu thịt với đất nước, Nhân dân; có nhiệt huyết và tinh thần sáng tạo. Nhiều hội viên đạt các giải thưởng cao của các ban, bộ, ngành, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và của tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, có 01 hội viên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 02 hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 02 hội viên được tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 08 hội viên được tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, 07 hội viên được tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị có bước chuyển biến tích cực. Hội đã tổ chức các trại sáng tác văn học, các cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về nhiều chủ đề khác nhau nhân các sự kiện quan trọng, chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước... Đặc biệt, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị tích cực hưởng ứng Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thu được những kết quả đáng khích lệ. Qua 3 đợt xét trao giải của Ban Chỉ đạo Trung ương (các năm 2015, 2018 và 2020), Quảng Trị đạt 6 giải B, 9 giải C và 4 giải khuyến khích. Hiện nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vẫn tích cực triển khai cuộc thi này, giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, văn học, nghệ thuật Quảng Trị nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị nói riêng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo các tác phẩm có chất lượng.

Thứ nhất, mặc dù số lượng tác phẩm do đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh sáng tác khá lớn, có mặt trên tất cả các lĩnh vực, phản ánh khá sinh động các mặt của đời sống nhưng chất lượng, giá trị nghệ thuật của nhiều tác phẩm chỉ ở mức trung bình, chưa có tác phẩm tương xứng với tầm vóc lịch sử, văn hóa của quê hương Quảng Trị anh hùng và thời kỳ đổi mới, xây dựng quê hương. Những tác giả có tiếng tăm, được khán giả cả nước biết đến như Xuân Đức, Trần Hoàn, Hoàng Phủ Ngọc Tường nay đã qua đời hoặc do tuổi cao sức yếu nên ít sáng tác. Lĩnh vực khó khăn hạn chế nhất là lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Lĩnh vực này lực lượng mỏng và số lượng, chất lượng nghiên cứu còn quá khiêm tốn.

Thứ hai, lực lượng sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn... của Hội Văn học nghệ thuật đang bị già hóa nhanh. Độ tuổi trung bình của hội viên hiện nay 55 - 65 tuổi; lực lượng hội viên trẻ được kết nạp rất hạn chế. Trung bình mỗi năm, Hội Văn học nghệ thuật kết nạp khoảng 5 - 6 hội viên cho các chuyên ngành nhưng hội viên trẻ dưới 35 tuổi không đáng kể (Hội viên trẻ  hầu như chỉ  tập trung ở phân hội sân khấu). Số hội viên mới kết nạp tiềm năng và triển vọng phát triển chỉ chừng mực; chưa xuất hiện nhân tố xuất sắc. Một số tác giả trẻ có tài năng không mặn mà và không chịu vào Hội. Tình trạng đáng báo động là hội viên được kết nạp vào hội chuyên ngành trung ương rất ít, có chuyên ngành như văn học hiện chỉ có 3 hội viên trung ương.

Thứ ba, biên chế của Hội ngày càng giảm (cơ quan thường trực chỉ có 4 biên chế), không đảm bảo cho triển khai các hoạt động. Trong lúc đó, chế độ, chính sách, phụ cấp cho lãnh đạo hội và viên chức chưa đảm bảo. Kinh phí cho hoạt động văn học, nghệ thuật quá khiêm tốn, kinh phí hỗ trợ đầu tư sáng tác của trung ương cấp vừa ít, vừa chậm nên tổ chức hoạt động bị hạn chế. Trong khi đó, do điều kiện của tỉnh nên kinh phí hỗ trợ cho văn nghệ sĩ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sáng tác.

Từ những thực trạng về đội ngũ văn nghệ nghĩ nói trên, vấn đề quan tâm, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật phải được xem là một trong những tiền đề “then chốt” góp phần làm cho nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà có được sự chuyển mình, phát triển, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới. Muốn làm được điều này, thiết nghĩ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt những nội dung trọng tâm và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đồng thời với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tăng cường giám sát, đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI, Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền về vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sỹ. Thường xuyên tổ chức quán triệt các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, tầm nhìn cho văn nghệ sỹ, trách nhiệm của văn nghệ sỹ đối với cơ đồ và vị thế phát triển của đất nước.

Thứ hai, quan tâm và có những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học nghệ thuật. Bố trí cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật nắm vững quan điểm, đường lối, các chính sách về văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; tập hợp được đội ngũ văn nghệ sỹ có tâm huyết, trách nhiệm, động viên họ sáng tác để có được những sản phẩm văn hoá, văn nghệ tốt phục vụ Nhân dân.

Thứ ba, các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm đúng mức, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, quê hương. Tạo mọi điều kiện để văn nghệ sỹ gắn bó với thực tiễn, đến với cuộc sống sôi động, rộng lớn của đất nước, vừa để tích lũy vốn sống, lấy cảm hứng sáng tạo và cũng là cách tốt nhất để nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm với cuộc sống. Chú ý đúng mức đến tính chất đặc thù của văn học nghệ thuật để có đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có tài, hiểu biết, quý trọng văn nghệ sỹ, vừa kế thừa, vừa trẻ hóa đội ngũ.

Thứ tư, cần có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao thông qua các cuộc thi, liên hoan để họ hăng say sáng tạo. Đặc biệt, cần quan tâm các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc các tỉnh còn khó khăn. Theo đó, cần quan tâm đến hình thức tổ chức các trại sáng tác nhằm khích lệ hội viên tìm tòi sáng tạo để có tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn, chất lượng hơn, trong đó chú trọng đến các khâu: lựa chọn hội viên có đủ đam mê, năng lực sáng tạo và sức khỏe; chọn đề tài; tổ chức thực hiện, lựa chọn ban giám khảo, nghiệm thu, chấm giải, tổng kết, khen thưởng, quảng bá tác phẩm sau khi bế mạc trại.

          Thứ năm, xác định rõ mô hình tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật là một mắt xích quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng và Nhà nước. Hội VHNT tỉnh cần bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ; là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng và sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo. Cần tăng cường tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, nâng cao nhận thức về sáng tác, cảm thụ, phê bình tác phẩm văn học, nghệ thuật cho văn nghệ sỹ. Nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật từ đó góp phần làm cho đời sống văn học trở nên phong phú và ngày càng đi vào chiều sâu.

         Thứ sáu, cần quan tâm đến việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, giúp đỡ các tài năng trẻ, xem đó là khâu đột phá bởi tương lai của nền văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đặt trên vai của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có thế hệ trẻ. Khi các tổ chức hội có sự quan tâm thích đáng đến thế hệ trẻ, có hạt nhân dẫn dắt sẽ có được những tài năng giàu triển vọng. Muốn vậy, Hội cần có một kế hoạch rất cụ thể, khả thi và hiệu quả, tạo điều kiện để các tài năng trẻ được phát huy, thực sự vững vàng tiếp nối các thế hệ đi trước. Đặc biệt, cần tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ, khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ tìm tòi, đổi mới, cách tân về nội dung và hình thức sáng tác. Bên cạnh đó, cần có các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật bởi đây là “sân chơi” bổ ích và lý thú của giới văn nghệ sĩ, là cơ hội để phát hiện ra người tài năng và thu hút người trẻ tham gia sáng tác. Các tạp chí văn học của địa phương cần mở thêm các trang viết dành riêng cho các cây bút trẻ tuổi, thanh thiếu niên nhằm khuyến khích các tài năng trẻ yêu mến văn chương nghệ thuật sáng tác.

Thứ bảy, mỗi một văn nghệ sĩ cần tự ý thức về sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm của mình. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Để đạt được mục đích đó, mỗi một văn nghệ sĩ phải trau dồi về đạo đức và nghề nghiệp; tự “bồi đắp” tri thức, kỹ năng sử dụng, làm chủ công nghệ thông tin, ngoại ngữ; tăng cường bám sát thực tiễn, gắn bó với Nhân dân, với hơi thở của cuộc sống, phấn đấu sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm tốt phục vụ Nhân dân, phục vụ công cuộc đổi mới, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng…”. Vậy nên, văn nghệ sĩ cũng cần thích ứng với thời cuộc, đối mặt với sự khắc nghiệt của quy luật thị trường; không chạy theo thị hiếu tầm thường hay sở thích nhất thời mà phải biết lắng nghe, phân tích, tìm hiểu, đánh giá đúng nhu cầu thị trường thị hiếu người tiếp nhận.

Sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vừa có giá trị nghệ thuật đích thực, có sức sống lâu bền, vừa được đông đảo độc giả đón nhận vẫn là trăn trở, khát khao, ước mơ của không chỉ văn nghệ sĩ mà còn là mong muốn chung của cả nền văn học nghệ thuật dân tộc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay. Để làm được điều này thì trước hết phải xuất phát từ chính bản thân mỗi người nghệ sĩ. Tuy nhiên, trước những dòng xoáy của thời đại mới, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi người nghệ sĩ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ lên một nấc thang mới. Có như vậy văn học Việt Nam đương đại nói chung, văn học nghệ thuật Quảng Trị nói riêng mới không lo vắng bóng những tác phẩm có giá trị đỉnh cao và đặc biệt, không sợ sự quay lưng, hờ hững của độc giả nhiều thế hệ, nhất là thế hệ trẻ./. Minh Huyền

 

456 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 457
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 457
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87651028