Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với mở rộng thị trường
lao động. Ảnh minh họa (Nguồn: khanhhoa.gov.vn)
Hiện nay, Cao Bằng có hơn 33 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 62,74% dân số toàn tỉnh. Số lao động có nhu cầu việc làm hàng năm khoảng trên 15.000 người. Trong giai đoạn 2011 – 2016, thông qua các chương trình việc làm, xuất khẩu lao động và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, toàn tỉnh đã có trên 109.000 lượt lao động được tư vấn học nghề và việc làm, gần 60.000 người được tạo việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,2% (năm 2011) xuống còn 4,4% (năm 2016). Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp.
Tuy nhiên, người lao động trong tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm, nhất là người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi. Công tác phát triển thị trường lao động còn nhiều bất cập do mạng lưới dịch vụ việc làm còn hạn chế, dữ liệu thị trường lao động và dự báo nguồn nhân lực còn thiếu, thiếu lao động phục vụ những ngành nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh…
Ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng cho biết: Sở đã hướng dẫn các huyện, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, khai thác thông tin thị trường lao động trong nước, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động, đặc biệt là tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm xã thuộc 4 huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Hà Quảng; thường xuyên thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu tìm việc làm thông qua mạng Internet, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận và kết nối thông tin thị trường lao động của tỉnh với các địa phương khác trong cả nước.
Bên cạnh đó, xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như kỹ năng, tay nghề cho người lao động qua định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, số người lao động làm việc trong các ngành kinh tế "mũi nhọn" của tỉnh Cao Bằng hiện còn thiếu và yếu về kĩ năng.
Theo ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới tỉnh sẽ liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề ở các tỉnh khác để đào tạo nguồn nhân lực ở các ngành, nghề "mũi nhọn" của tỉnh; đồng thời hợp đồng, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm sau khi các sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Tỉnh cũngnâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng, đảm bảo sau năm 2020, đội ngũ giáo viên này có thể đào tạo được nguồn lao động chất lượng cao cho tỉnh.
Cao Bằng dự kiến tổng nguồn kinh phí thực hiện Chương trình việc làm giai đoạn 2017-2020 của tỉnh là khoảng 96 tỷ đồng.Với nguồn kinh phí này, tỉnh tập trung vào phát triển thị trường lao động, ổn định, nâng cao chất lượng việc làm, kết nối thông tin việc làm trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động, đẩy mạnh cung ứng lao động và giới thiệu việc làm trong nước, tiếp tục tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp…/.
Chu Hiệu/TTXVN