Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động 

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động luôn được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Hàng năm, Liên đoàn lao động tỉnh đều xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phổ biến, giáo dục pháp luật. Các nội dung tuyên truyền được LĐLĐ tỉnh lựa chọn những tài liệu quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tuyên truyền như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bình đẳng giới… Tổ chức ký kết với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật như: Báo Lao động, Báo Quảng Trị, Đài PTTH Quảng Trị, Hội LHPN tỉnh, Sở LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban chỉ đạo 138 cấp tỉnh, Chi cục Dân số KHHGĐ...

Trong đó, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 cho hơn 3,457 cán bộ công đoàn các cấp; có 14/14 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và  511 công đoàn cơ sở tổ chức tập huấn cho 18,729 công nhân lao động; 100% công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật”; Nhân “Tháng Công nhân” và chương trình “Tết sum vầy” hàng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao; tư vấn pháp luật tại chỗ và phát tờ rơi tuyên truyền về chính sách pháp luật cho người lao động; thăm hỏi động viên CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trao tiền hỗ trợ làm nhà mái ấm công đoàn. Hưởng ứng Ngày pháp luật, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức điểm sinh hoạt Ngày pháp luật, đã có 212 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thu hút trên 13,580 CNLĐ tham gia. Trang Facebook Công đoàn tỉnh Quảng Trị đến nay đã có 11.000 người theo dõi và trên 60% CĐCS thành lập, duy trì hoạt động trang facebook nhằm thông tin kịp thời đến đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018 của Chính phủ và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Nghị định 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp Công đoàn đã tích cực chỉ đạo cơ sở phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc đảm bảo đúng, đủ nội dung và thời gian theo quy định. Đến nay, 100% các đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, 93% doanh nghiệp (10 lao động trở lên) tổ chức hội nghị người lao động. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, có 33 bản TƯLĐTT được ký kết, đến nay 96% CĐCS khu vực doanh nghiệp có 10 lao động trở lên đều có TƯLĐTT, trong đó đã thương lượng ký kết thành công TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và nhóm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Có 75% doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động, từ đó tăng cường đoàn kết, củng cố mối quan hệ giữa công đoàn, chuyên môn và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở đã lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến tới CNVCLĐ có liên quan trực tiếp đến ngành nghề, lĩnh vực của từng cơ quan, đơn vị. Những văn bản pháp luật cũng đã được các cấp Công đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ công đoàn và CNVCLĐ bằng nhiều hình thức sinh động và có nhiều đổi mới. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho CNVCLĐ.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Toàn tỉnh hiện có gần 60 nghìn CNLĐ đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Phần đông trong số đó là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn thấp. Do đó, một số CNLĐ bị doanh nghiệp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp mà không biết tự bảo vệ mình, phải chịu thiệt thòi trong quan hệ lao động. Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì việc học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật do người lao động tự "xoay sở". Mặc dù tổ chức công đoàn đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp này song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người lao động chủ yếu do công đoàn thực hiện song nguồn kinh phí và điều kiện để tổ chức hoạt động tuyên truyền cũng rất khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGD pháp luật trong các doanh nghiệp vừa thiếu về số lượng vừa yếu về kiến thức và kỹ năng. Một số cán bộ công đoàn vừa được đào tạo, bồi dưỡng xong lại biến động do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Mặt khác, người sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp chưa ủng hộ công đoàn hoạt động, không tạo điều kiện cho người lao động được tham gia học tập qua các đợt triển khai hội nghị phổ biến pháp luật tại cơ sở do công đoàn tổ chức.

Từ những khó khăn bất cập trên cho thấy nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn; cần huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó có nguồn xã hội hóa và đóng góp của doanh nghiệp cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động. Người sử dụng lao động phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không tách rời với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động. Doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ,  tạo điều kiện về thời gian, địa điểm và đóng góp kinh phí để CĐCS tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hội trường, tăng âm, hệ thống truyền thanh nội bộ, tủ sách pháp luật, phòng đọc, bảng tin, pa nô, áp phích... tạo hệ thống thiết chế đồng bộ phục vụ cho công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về lao động nhằm uốn nắn hoặc xử lý kịp thời các vi phạm của các doanh nghiệp. Coi việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân là một trong các tiêu chí để đánh giá xếp loại doanh nghiệp hàng năm, là tiêu chuẩn để công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hoá.

Đối với tổ chức công đoàn, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Hàng năm, CĐCS cần xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân, tập trung cao điểm vào “Tháng công nhân” và “Ngày Pháp luật”.  Lựa chọn và sử dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền cho phù hợp điều kiện đặc thù với từng loại hình cơ sở như: tuyên truyền miệng, qua hệ thống thông tin đại chúng, tư vấn, hòa giải, tủ sách pháp luật, tờ gấp, hệ thống loa truyền thanh ở doanh nghiệp, qua các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... CĐCS cần chủ động thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể; bố trí thời gian, đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động; xây dựng “Tủ sách pháp luật” để công nhân lao động tự đọc và tìm hiểu. Các cấp công đoàn cần quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo  dục pháp luật vững vàng về chính trị - tư tưởng, am hiểu về pháp luật, có kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ tuyên truyền tốt.

 Thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân lao động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, để  công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực thì trước hết cần có sự chủ động hơn nữa từ phía các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước có liên quan và sự năng động sáng tạo của mỗi CĐCS. Khi hiểu biết về  pháp luật của người lao động được nâng lên, họ sẽ luôn có ý thức trong việc tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết cách tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động. Đó là một trong nhiều biện pháp hiệu quả góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Thu Hà

1162 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 814
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 814
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87003006