Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Đã xây dựng và phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn

Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2020, Bộ đã chỉ đạo các địa phương phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc. Đến nay, cả nước đã có 430 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 11 lần so với năm 2019) với 6.045 doanh nghiệp được chứng nhận. Đồng thời, 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích 15.833ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 3 lần năm 2019); 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP và tương đương với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng.

Cùng với những kết quả ấn tượng trên, ngành NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai, tổng kết Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” và Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt với Hà Nội. Kết quả cho thấy, 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên toàn quốc. Đặc biệt đã có 786 chuỗi liên kết từ 21 tỉnh, thành cung ứng cho thành phố Hà Nội với đa dạng các loại sản phẩm và nhiều chuỗi có quy mô lớn như các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp lớn Dabaco, Ba Huân, Vingroup...

Trong công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, hiện, cả nước có 162 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.690 cơ sở cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; 6.831/8.089 (chiếm tỷ lệ 84,44%) cơ sở được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Như vậy, so với năm 2015, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên cả nước đã giảm gần 5.000 cơ sở.

Nhờ công tác tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chất lượng, ATTP sản phẩm nông thủy sản đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98,1%, tăng so với năm 2019 (ở mức 97%); tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo ATTP đạt 72%, tăng so với mức 64% năm 2019. Đặc biệt, ngành NN&PTNT đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đáng chú ý, trong năm 2020, trước sự cố ngộ độc thực phẩm do ăn pate Minh chay của công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới có tính chất nghiêm trọng, ngay sau khi Bộ Y tế cảnh báo pate Minh Chay chứa độc tố ngày 29/8/2020, Bộ đã kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các hoạt động truy xuất, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn; cử cán bộ trực tiếp đến hỗ trợ Sở NN&PTNT Hà Nội trong việc điều tra xác định nguyên nhân, hướng dẫn biện pháp khắc phục, tránh tái phạm. Kết quả từ ngày 4/9 đã không xuất hiện thêm ca ngộ độc thực phẩm do sản phẩm của công ty này; cơ quan địa phương cả nước đã tích cực thu hồi cơ bản các sản phẩm vi phạm và đang phối hợp với cơ quan công an, ngành y tế địa phương tiếp tục xử lý theo quy định.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, ngành đã giải quyết kịp thời các vướng mắc về an toàn thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trong đó, xử lý, đàm phán bổ sung 85 doanh nghiệp, 6 cơ sở bao gói tôm, cua sống,… vào danh sách các động vật thủy sản được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục duy trì, hướng dẫn, hỗ trợ 8 doanh nghiệp liên kết với 2.035 hộ nông dân tại 64 vùng trồng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản;…

Tiếp tục duy trì, triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản

Đánh giá chung của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2020, ngành đã giải quyết hiệu quả, kịp thời rào cản kỹ thuật ATTP của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tại các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP, củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước.

Bước sang năm 2021, Bộ NN&PTNT cho biết, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP của ngành xác định nhiều nhiệm vụ cần chú trọng triển khai thực hiện. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao.

Gắn liền với đó là việc tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2021, ngành sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ pháp luật về ATTP. Đồng thời, tiếp tục duy trì, triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP; tổ chức đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định,.../.

 
BT