Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng. Chỉ Đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947) Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Theo Bác: “Giáo dục lý luận chính trị là quá trình tác động vào đối tượng bằng cách trình bày, giải thích một cách khoa học những khái niệm, những quy luật, những quan điểm…nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nắm được những kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận động những hiểu biết ấy vào cuộc sống”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với bản chất cách mạng và khoa học, là lý luận tiên phong dẫn đường để Đảng Cộng sản Việt Nam làm tròn vai trò tiên phong, lãnh đạo cách mạng Việt Nam dành độc lập, thống nhất đất nước và tiến hành xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ tầm quan trọng đó, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, góp phần củng cố, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp về tiếp tục quan tâm củng cố và xây dựng trung tâm Chính trị các huyện, thị, thành phố theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cấp ủy các cấp cũng thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hằng tháng, thông qua hội nghị báo cáo viên, các cấp ủy đều triển khai cập nhật những vấn đề lý luận mới, thông tin về đối ngoại, tình hình thực tiễn của đất nước, tỉnh cho đội ngũ báo cáo viên.
Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian chương trình theo quy định; đã kịp thời quán triệt vào trong chương trình giảng dạy nội dung các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng. Trung tâm Chính trị các huyện đã mở các lớp như: bồi dưỡng lý luận chính trị kết nạp đảng, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị đảng viên mới, lớp bồi dưỡng các chương trình, chuyên đề, có tỉ lệ học viên tham gia đạt trên 95%. Việc cấp giấy xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị cho các đối tượng theo Quy định được các trung tâm thực hiện nghiêm túc. Trường Chính trị Lê Duẩn đã phối hợp các cấp ủy Đảng mở các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở giúp học viên nâng cao nghiệp vụ, hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng…Cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh và trung tâm Chính trị cấp huyện được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Cơ chế chính sách hỗ trợ đối với giảng viên, học viên ngày càng được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Nhiều giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị vẫn còn số một tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chất lượng và hiệu quả còn thấp so với yêu cầu mới; nội dung, chương trình còn nặng tính lý luận, nhẹ tính thực tiễn; một số ít cán bộ, đảng viên vẫn còn xem nhẹ việc học tập, lý luận… Ngoài ra, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội... đã và đang tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và lối sống của Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên và có ảnh hưởng đến công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, các luận cứ khoa học để đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch chống phá. Hoạt động giáo dục lý luận chính trị phải xuất phát và gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cấp cơ sở. Các cấp ủy Đảng tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng các chương trình, kế hoạch của địa phương nhằm nghiên cứu tổng kết một số phong trào, mô hình điển hình tiên tiến trong các hoạt động của địa phương để đưa vào giảng dạy lý luận chính trị.
Thứ hai, cần nâng cao nhận thức học tập lý luận chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên phải là người nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình; khắc phục bệnh “lười học tập lý luận chính trị”, từ đó, chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác. mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong sử dụng mạng xã hội, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm...
Thứ ba, các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của địa phương, đơn vị mình. Chủ động xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ học tập chính trị, làm tốt công tác tư tưởng, kịp thời nắm rõ những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, các điểm nóng không để cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; biểu dương, nhân rộng những mô hình điển hình nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn hệ thống chính trị. Đầu tư cơ sở vật chất và nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động dạy và học.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” ; đồng thời, để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đạt được trong công tác giáo dục lý luận chính trị, đặc biệt là để tinh thần Nghị quyết số 35 –NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn cuộc sống. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không học tập, tu dưỡng, rèn luyện; chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xuân Ngọc – Trường Chính trị Lê Duẩn