Hình ảnh tại Diễn đàn. (Ảnh: MP)
Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại Diễn đàn Việt Nam về ngân hàng và tài chính lần thứ tư năm 2019 được khai mạc hôm nay (24/10) tại Hà Nội.
Diễn đàn được tổ chức bởi sự phối hợp giữa Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Quốc tế vì Sự phát triển của Kinh tế - Tài chính, Trường Kinh doanh IPAG và Trường kinh doanh Nam Champagne (Pháp).
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, diễn đàn được tổ chức rất đúng thời điểm, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khi tăng trưởng chậm lại xảy ra nhanh hơn so với dự kiến. Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 ở mức 3%, giảm 0,3% so với mức dự báo hồi tháng 4/2019. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính – suy thoái kinh tế 2008. Ngoài ra, kinh tế thế giới còn phải đối mặt với tình trạng rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nền kinh tế lớn và những biến động khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại có thể giúp các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế với các quốc gia tiên tiến. Ngày 08/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường, quan điểm phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam được xác định bao gồm ổn định hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng, làm tiền đề ổn định tiền tệ - tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
Thực hiện chiến lược được Thủ tướng phê duyệt, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, ngành Ngân hàng đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, đổi mới công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại dựa trên thành tựu của cách mạng số, tăng cường an ninh bảo mật thông qua việc tăng cường hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin tiên tiến.
Tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng nhấn mạnh toàn ngành Ngân hàng cần nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam so với khu vực và thế giới.
Đồng tình với nhận định của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Giám đốc Học viện Ngân hàng Bùi Tín Nghị cũng cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, mang tới nhiều cơ hội và đặt ra nhiều thách thức cho mỗi quốc gia trong tiến trình hướng tới thịnh vượng. Ngành tài chính ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này khi những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ đã, đang và sẽ làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung ứng các dịch vụ tài chính ngân hàng.
“Do vậy, Diễn đàn Việt Nam về ngân hàng và tài chính sẽ là cơ hội để tạo ra môi trường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm dành cho các nhà quản lý, chuyên gia và nhà làm thực tiễn về những vấn đề thời sự của nền kinh tế toàn cầu nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng” , Giám đốc Học viện Ngân hàng Bùi Tín Nghị chia sẻ.
Diễn đàn diễn ra trong 3 ngày từ ngày 24 đến ngày 26/10/2019 với 39 phiên thảo luận, gồm: 3 phiên tổng thể; 36 phiên song song với 121 báo cáo được lựa chọn trình bày, giới thiệu, trong đó có 2 phiên chuyên đề về “Ngân hàng Trung ương và hoạt động quản lý” và “Công nghệ tài chính và công nghệ quản lý”.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhận định rằng những chia sẻ, trao đổi tại 2 chuyên đề này sẽ mạng lại những giá trị thiết thực cho việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của ngành Ngân hàng trong thời gian tới./.
Minh Phương