Nâng bước cùng em tới trường 

GD&TĐ - Vượt qua đèo Sa Mù khi màn sương sớm còn giăng trắng lưng chừng núi, chiếc xe U-oát của Trung đoàn Nông lâm 52, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 (Quân khu 4) dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Chít, dân tộc Vân Kiều ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Căn nhà trệt tường xây gạch, mái lợp tấm fibro xi măng lụp xụp nằm nép mình ở gần cuối thôn là nơi tá túc qua ngày của ba mẹ con chị Chít. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường đã cũ nát, chiếc bàn xiêu vẹo và mấy thứ đồ dùng gia dụng đã hoen màu thời gian.

Thuyết phục đưa trẻ đến trường

Hoàn cảnh gia đình chị Hồ Thị Chít là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn trong vùng. Kinh tế gia đình chỉ nhìn vào mấy sào ruộng, lúc nông nhàn ai thuê gì làm nấy. Chồng chị mắc bệnh nan y, gia đình tốn bao tiền của chạy chữa nhưng đã không qua khỏi. Bởi thế, cái đói cái nghèo mãi đeo đẳng lấy mẹ con chị. Tâm sự với chúng tôi mà lòng chị nghẹn đắng. Nước mắt cứ chực tuôn chảy trên khóe mắt khắc khổ của người phụ nữ có số phận kém phần may mắn.

“Biết được hoàn cảnh gia đình, các anh bộ đội Đoàn 337 đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, giúp đỡ các cháu tiền mua sách vở, giấy bút... để cháu tiếp tục đến trường học cái chữ mà không phải bỏ giữa chừng. Mẹ con miềng biết ơn bộ đội Đoàn 337 nhiều lắm...!” - chị Hồ Thị Chít trải lòng với chúng tôi!

Chia tay gia đình chị Hồ Thị Chít, chúng tôi đến Trường THCS xã Hướng Linh đúng vào lúc cô trò ra chơi. Trò chuyện với Ban Giám hiệu nhà trường, chúng tôi được biết, học sinh ở đây đa số là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đời sống của gia đình các cháu đều thuộc diện hộ nghèo, trong đó có 3 cháu có hoàn cảnh gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Qua khảo sát và nắm được hoàn cảnh của các cháu, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 2 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm thủ tục nhận đỡ đầu bằng việc mỗi cán bộ, đảng viên tự nguyện trích một phần chi tiêu cá nhân để xây dựng quỹ hỗ trợ một phần tiền học phí, tiền ăn trên lớp.

Vào dịp đầu năm học mới, Đội còn trích quỹ mua cặp, sách vở, bút... tặng các cháu trước ngày khai giảng năm học mới. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cho biết: Phong trào “Gắn kết tình thương, cùng em tới trường” của Đoàn KT-QP 337 đã có sự lan tỏa và nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhờ đó, phong trào đã giúp các gia đình thuộc diện hộ nghèo vơi bớt khó khăn để đưa trẻ đến trường.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khảo sát hoàn cảnh gia đình các cháu trong độ tuổi để đề nghị Đoàn KT-QP 337 và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận đỡ đầu hỗ trợ, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo cả về vật chất và tinh thần...

Phong trào mang tính nhân văn sâu sắc

Phong trào đỡ đầu các cháu học sinh nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập trên địa bàn 5 xã vùng dự án KT-QP Khe Sanh của Đảng bộ Đoàn KT-QP 337 là một trong những việc làm có ý nghĩa nhân văn cao cả. Đây là bước cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để triển khai phong trào này, trên cơ sở chương trình, kế hoạch “làm theo”, Đảng ủy Đoàn KT-QP 337 đã chỉ đạo chi bộ các cơ quan, Đội sản xuất phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát địa bàn, xác định đối tượng, để xây dựng kế hoạch nhận đỡ đầu cụ thể.

Trên cơ sở đó, các chi bộ đăng ký nội dung, phương thức, thời gian nhận đỡ đầu 1 - 2 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ đơn vị.

Hiệu quả từ phong trào “Gắn kết tình thương, cùng em tới trường” đã thực sự có sức lan tỏa sâu rộng và nhận được sự quan tâm đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên, nhân viên của Đoàn KT-QP 337.

Từ khi triển khai phong trào “Nâng bước em đến trường” đến nay, toàn Đảng bộ Đoàn KT-QP 337 đã có 100% chi bộ khối cơ quan và các Đội sản xuất nhận đỡ đầu các cháu học sinh là con các gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn; bình quân mỗi năm các cơ quan, đơn vị đỡ đầu từ 14 - 15 lượt cháu học sinh.

Riêng 3 cháu mồ côi ở xã Hướng Lập được Đội sản xuất 3 đỡ đầu nuôi ăn học thường xuyên tại đơn vị; 5 cháu học sinh (3 ở xã Hướng Linh, 1 ở xã Hướng Phùng và 1 ở Trường THPT dân tộc nội trú) được nhận hỗ trợ mỗi năm 9,6 triệu đồng/cháu. Ngoài ra, hàng năm, Đoàn còn tham gia quyên góp, ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến học của Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa hàng chục triệu đồng.

“Gắn kết tình thương, cùng em đến trường” là phong trào mang tính nhân văn sâu sắc của Đoàn KT-QP 337. Tuy giá trị về vật chất không lớn, số tiền không đáng kể, nhưng việc tự nguyện quyên góp chi tiêu để hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn của mỗi cán bộ, đảng viên Đoàn KT-QP 337 là sự chung tay sẻ chia, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh kém may mắn được đến trường học cái chữ. Đây cũng là nét nhân văn, một nghĩa cử để “Gắn kết tình thương, cùng em tới trường”, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân nơi miền biên viễn.

Nguyễn Thị Thủy

808 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1087
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1087
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87189207