Nạn nhân tự tử trong vụ án gỗ trắc: Ai đang giữ các di thư nói về bức cung, nhục hình? 

Như Lao Động đã đưa tin, vụ án gỗ trắc nhập khẩu theo quy định bị cho là buôn lậu xảy ra tại tỉnh Quảng Trị đã kéo dài gần 7 năm mà vẫn chưa kết thúc. Mới đây, cùng với việc cho rằng đây là vụ án oan, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị cũng lên tiếng về việc cái chết còn nhiều uẩn khúc của một nam thanh niên liên quan trong vụ án.

Anh Trần Đình Quang, cháu ruột của bà Trần Thị Dung - Giám đốc Cty TNHH MTV Ngọc Hưng đã treo cổ tự tử tại nhà riêng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ngay trong đêm sau khi trở về từ Hà Nội sau những ngày làm việc với cơ quan điều tra. 

Nguồn tin của Lao Động ngày 3.11 cho hay, kết quả kiểm tra, giám sát vụ án này do Đoàn ĐBQH tỉnh quảng Trị thực hiện cho thấy: "Việc triệu tập lấy lời khai Trần Đình Quang, người của Cty Ngọc Hưng tại các Biên bản ghi lời khai Trần Đình Quang vào các ngày 15.8.2012, 22.4.2013, 23.4.2013 tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) đều không ghi tư cách tham gia tố tụng.

Trần Đình Quang không được giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Mặt khác, trong quá trình lấy lời khai, Trần Đình Quang tố cáo điều tra viên Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an đã có dấu hiệu về hành vi dùng nhục hình, bức cung nên Trần Đình Quang đã gửi đơn đến Ban Nội chính Trung ương, đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tố cáo hành vi này.

Ban Nội chính Trung ương có Phiếu chuyển số 211-PC/BNCTW ngày 14.5.2013 gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an về đơn khiếu nại của Trần Đình Quang. Việc Trần Đình Quang tự sát là do hành vi của Trần Đình Quang tự gây nên cho mình. Nhưng xét về nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân sâu xa có trách nhiệm của Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an là điều không thể tranh cãi. Vấn đề này cần được làm sáng tỏ".

Tại phiên tòa công khai kéo dài 13 ngày (tháng 8.2017) do TAND thành phố Đà Nẵng xử, bị cáo Trần Thị Dung đề nghị cơ quan nào đang giữ 3 bản chính của bức di thư mà anh Trần Đình Quang để lại trước khi tự vẫn phải trả lại cho gia đình bị cáo.

Theo đó, ngay sau khi Quang tự tử chết tại nhà riêng, cơ quan điều tra công an sở tại đã có mặt và tiến hành thu giữ các bản gốc di thư của nạn nhân. Trước phản ứng quyết liệt của gia đình, người thân, cơ quan điều tra đã trả lại cho gia đình các bản di thư photocopy.

Ông Hoàng Đức Thắng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự cộng cảm cao trước yêu cầu đó của doanh nhân Trần Thị Dung và cho rằng "còn nhiều khuất tất trong cái chết của anh Trần Đình Quang chưa được xác minh làm rõ". 

TRÍ DÂN

563 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1018
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1018
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87213420