Phạm Huy học sinh lớp 12A3, trường THPT thị xã Quảng Trị, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chịu nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh.
Nhìn thấy những người bị tàn tật khó khăn trong cuộc sống, Huy có ý tưởng làm một cánh tay robot giúp đỡ người bị mất cánh tay thuận tiện trong mọi hoạt động hàng ngày.
|
Em Phạm Huy tại buổi tuyên dương những thành tích đạt được trong khoa học kỹ thuật |
Theo Phạm Huy, trên thị trường có nhiều sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật nhưng chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định hoặc giá thành rất cao khiến người cụt tay hoàn cảnh nghèo khó không dễ tìm mua.
Huy muốn tạo cánh tay robot có cấu trúc đơn giản, giá thành rẻ, phù hợp với các dạng khuyết tật tay.
“Những người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là người khuyết tật hai tay mất đi công cụ lao động của bản thân và gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, em muốn tạo ra một cánh tay có cấu trúc đơn giản nhưng hiệu quả, có giá thành rẻ có thể sử dụng được với tất cả các dạng khuyết tật tay”, Phạm Huy nói.
Thời gian đầu, khi mới hình thành ý tưởng và bắt tay làm thử, Huy gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong gian khó ấy, em lại nhận được sự giúp đỡ rất tận tình từ thầy giáo Vật lý Lê Công Long, gia đình và bạn bè.
|
Phạm Huy, học sinh lớp 12 chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật |
Đối với sản phẩm cánh tay robot, Phạm Huy đã cải tiến, tạo ra một cánh tay sử dụng hệ thống nhúng có thể làm tăng số cử động, theo nguyên lý sử dụng chân để điều khiển cho người đã mất cả hai tay.
Cánh tay cử động rất linh hoạt, các khớp cử động một cách riêng biệt theo 3 bậc tự do, các cảm biến gắn ở đầu ngón chân. Cánh tay này nặng 0,9 kg, cầm được vật có khối lượng khoảng 2kg và có thể cầm thìa, bát, vặn nắp chai, rót nước và vật dụng khác để ăn uống.
Thầy giáo Lê Công Long: “Sản phẩm cánh tay robot do em chế tạo mang ý nghĩa thiết thực, giàu tính nhân văn. Trong một năm qua, thầy và trò sát cánh bên nhau. Huy là người rất nỗ lực trong việc thực hiện đề tài này, còn cá nhân tôi chỉ là một phần nhỏ bé trong vấn đề này thôi.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, vượt qua hơn 1.700 thí sinh đến từ nhiều cường quốc công nghệ trên thế giới, tác phẩm cánh tay robot dành cho người khuyết tật của em Phạm Huy đã đạt giải Ba cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật Quốc tế 2017 (Intel ISEF) tại Mỹ. Em đã mang niềm vinh quang về cho quê hương, đất nước.
Theo bà Lê Thị Hương, với những thành tích trên, Phạm Huy xứng đáng nhận được giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.
“Những kết quả hôm nay, em Huy đạt được là sự khởi đầu và đây là tiền đề hết sức quan trọng để em Huy nỗ lực và đạt được những thành tích mới trong việc chinh phục tri thức và đặc biệt là thực hiện đam mê khoa học của em. Để từ đó em đóng góp sức lực, trí tuệ vào các hoạt động trong thực tế và giải quyết tốt vấn đề trong thực tiễn đặt ra, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh”, bà Lê Thị Hương bày tỏ./.
Phạm Huy: “Em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình và có thể làm cho nó nhỏ gọn hơn, thực hiện được nhiều thao tác hơn cho cuộc sống. Hiện tại em đã có được một số sự giúp đỡ từ một số cá nhân. Tụi em đang tìm kiếm một vài người khuyết tật có đủ sức khỏe để thực hiện thí nghiệm, nếu thành công thì có thể thực hiện các cuộc tặng tay miễn phí cho họ.