Năm 2021, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển vượt bậc; Quy mô nền kinh tế năm gấp gần 10 lần năm 1989; GRDP bình quân đầu tăng 6,9 lần; Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp; hoạt động thương mại - dịch vụ...đều có bước phát triển. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả; Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên thì vẫn còn một số khó khăn, thách thức.
Khó khăn lớn nhất, bao trùm nhất đó là dịch Covid-19. Trên bình diện thế giới, làn sóng đại dịch Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trở thành cuộc khủng hoảng xã hội. Còn với nước ta đã trải qua 04 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhất là đợt thứ 4 từ ngày 27/4/2021, là đợt dịch diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 đã xâm nhập và tác động trực tiếp vào các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách và liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó là hậu quả của lũ lụt cuối năm 2020, ước giá trị thiệt hại gần 3.500 tỷ đồng chưa thể khắc phục triệt để.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ; các bộ, ngành; các tỉnh bạn; Sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng tâm, hiệp lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… theo tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương - thu hút đầu tư - tạo đà tăng trưởng” nên năm 2021 tỉnh ta đạt những kết quả quan trọng.
Kinh tế phục hồi và có mặt phát triển khá.Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,5% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người, ước đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.080,388 tỷ đồng, đạt 147,3% dự toán địa phương và 177,6% dự toán Trung ương. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt nhiều kết quả tích cực; năng suất hầu hết các loại cây hàng năm đều cao hơn năm 2020. Nhiệm vụ tái thiết sản xuất sau thiên tai đã được tập trung chỉ đạo khẩn trương và đạt nhiều kết quả tích cực. Công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch được duy trì. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư, nhất là năng lượng tái tạo, giao thông, du lịch... Hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra sôi động. Công tác tài nguyên môi trường được quan tâm. Công tác quy hoạch được đặc biệt chú trọng và có cách làm mới. Các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ và đời sống Nhân dân luôn được quan tâm; công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đối ngoại tiếp tục được duy trì, phù hợp điều kiện, tình hình mới.
Năm 2022, năm có nhiều sự kiên chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước, quê hương; đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2021) và nhiều địa phương trong tỉnh. Với quyết tâm chính trị ”Chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Huy động có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hiện thực hóa các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế” ; các chỉ tiêu chủ yếu đó là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5 - 7%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 65 - 66 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.125,5 tỷ đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới là 68,3%; tỷ lệ trường được công nhận chuẩn quốc gia đạt 63%; tạo việc làm mới cho 12.000 lao động; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1 - 1,5%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49,9%.
Để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trên, cần tiến hành đồng bộ, hiệu quả bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: Tập trung thực hiện linh hoạt, thích ứng an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; Tăng cường chất lượng, hiệu quả trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số; Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch; Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tài nguyên -môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng bộ máy tinh gọn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, uy tín, năng lực đáp ứng yêu cầu. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; tiếp tục mở rộng hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Năm 2022, đã mở ra, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì những khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Hơn ai hết mỗi cán bộ, đảng viên, người dân hãy đoàn kết, gắn bó, chung sức, chung lòng tiếp tục nỗ lực và hành động quyết liệt, hiệu quả để tạo sự phát triển. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là hạnh phúc của mỗi người được sống, cống hiến trong một thời kỳ lịch sử. Nguyễn Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy