Quy mô, mạng lưới trường lớp từng bước được sắp xếp, bố trí hợp lý giữa các vùng, miền; các cấp học, bậc học và cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em. Công tác quản lí giáo dục đã có chuyển biến tích cực. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ năm học, lãnh đạo Sở đã lựa chọn những vấn đề then chốt, với các giải pháp phù hợp để chỉ đạo và chỉ đạo quyết liệt. Một số khó khăn, bất cập cả về chính sách và điều kiện dạy và học, ngành đã phối hợp với các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giải quyết. Chính vì vậy, mục tiêu, các nhiệm vụ đề ra trong năm học 2016-2017 cơ bản hoàn thành, trong đó có một số nhiệm vụ hoàn thành ở cấp độ xuất sắc.
Đội ngũ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý thường xuyên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Tỷ lệ huy động trẻ vào các cơ sở giáo dục mầm non; các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt cao. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì. Việc phổ cập giáo dục bậc trung học tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện. Chất lượng giáo dục đại trà ổn định. Chất lượng mũi nhọn có bước phát triển.
Trong năm học 2016 – 2017, Quảng Trị có 14 học sinh lớp 12 đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia. Nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi năng khiếu, thể thao, thi khoa học kĩ thuật. Tiêu biểu là em Phạm Huy, đạt giải Nhất chung cuộc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia và đạt giải Ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF 2017. Em Võ Thục Khánh Huyền, đạt huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học Singapore và Châu Á - SASMO 2017… Cùng với đó, các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức, mà nổi lên đó là: quy mô, mạng lưới trường lớp nhất là các vùng khó chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh đến trường. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học nhìn chung vẫn còn bất cập. Tình trạng thiếu phòng học và các phòng chức năng đang là bài toán khó giải, không chỉ năm học vừa qua mà phải còn nhiều năm nữa. Đặc biệt, tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, gây gổ đánh nhau, bạo lực học đường, vi phạm giao thông…đang là điều đang được xã hội quan tâm. Cùng với đó là, công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS và THPT còn lúng túng…
Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Từ Đại hội XI, Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học và công nghệ là chìa khóa có ý nghĩa quyết định để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với tinh thần đó, vấn đề đặt ra cho năm học mới 2017-2018, đó là:
1. Trên cơ sở chủ trương và các định hướng lớn của Đảng về giáo dục và đào tạo đã nêu tại Nghị số 29-NQ/TW của BCH Trung ương và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 20/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và 8 đề án mà Tỉnh ủy phân công Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để xây dựng kế hoạch, lộ trình với quyết tâm phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển.
2. Ngành Giáo dục và Đào tạo phải đi đầu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này là triển khai giảng dạy bộ sách “ Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, ý thức, trách nhiệm công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, văn minh; thực hành dân chủ trong trường học.
3. Không ngừng chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, ngành học, giữa các vùng miền trên phạm vi toàn tỉnh. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên hoặc mất cân đối ở các ngành học, cấp học trên địa bàn tỉnh. Có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh đặc biệt học sinh là người dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng khó khăn; Làm tốt công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của ngành giáo dục theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các nhà trường; quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ mà trước hết là cán bộ quản lý và giáo viên là đảng viên.
4. Trong năm học 2017-2018, cùng với việc duy trì kết quả phổ cập giáo dục cần hết sức coi trọng chất lượng giáo dục; coi đó là yếu tố sống còn để một mặt xây dựng, khẳng định thương hiệu của các nhà trường và cũng là cách tốt nhất để ngành Giáo dục và Đào tạo góp phần vào sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
5. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trong đó ưu tiên đầu tư khắc phục tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng và xóa phòng học tạm bợ ; cải tạo, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của học sinh. Trí Ánh