Nam Bộ kháng chiến - Trang sử oanh liệt hào hùng 

Cách nay 76 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Quân dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.

Trong không khí sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 23 đến 28/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, giờ đây đồng bào Nam Bộ, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Song, với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách để gìn giữ hòa bình, tránh “cuộc chiến tranh đổ máu vô nghĩa”. Nhưng chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1).

Chỉ 4 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 6/9/1945, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo sau gót quân Anh, binh lính Pháp cũng kéo vào. Chúng câu kết với nhau, vu cáo chính quyền cách mạng không giữ nổi trật tự, trị an, đòi chúng ta phải giải tán các đội tự vệ và ngăn cấm đồng bào ta biểu tình. Chúng sử dụng tàn binh Nhật và bọn tay sai phản động vào việc khống chế, ngăn cản lực lượng nhân dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng; đồng thời phái bộ của quân Anh đã ra lệnh thả hơn 1.400 lính Pháp bị Nhật bắt hồi đảo chính, trang bị vũ khí cho chúng và hình thành những đơn vị lê dương rất hung hãn, ngang nhiên khiêu khích phá phách, cướp bóc rất trắng trợn…

Trước khi Pháp nổ súng quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Đảng ta đã tiên lượng trước âm mưu của các thế lực thù địch và có quyết sách phù hợp. Tình hình ngay sau khi nước nhà độc lập hết sức căng thẳng. Ở phía Bắc, 20 vạn quân Tưởng lợi dụng danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân Nhật hòng thôn tính chính quyền cách mạng non trẻ. Ở phía Nam, quân đội Anh cũng dùng chiêu bài đó để hậu thuẫn, trang bị vũ khí cho quân Pháp quay lại Đông Dương. Trước tình thế “lửa cháy hai đầu”, Chính phủ cách mạng phải hết sức khôn khéo trong sách lược đối phó, đó là tạm hòa hoãn với quân Tưởng để tập trung đánh đuổi thực dân Pháp.

Trong đêm 22/9, ở bất cứ nơi nào quân Pháp đánh chiếm đều bị quân dân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt.

Ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Hội nghị phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh và quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!(2), ra lệnh phát động toàn dân triệt để tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, tiến ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra Ngày Nam Bộ kháng chiến - Trang sử oanh liệt hào hùng.

Sáng 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi đồng bào:

“Đồng bào Nam bộ, nhân dân thành phố Sài Gòn,

Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!

Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 2-9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

Độc lập hay là chết!

Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức ra khỏi thành phố…

Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, sáng 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử Tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.

Tiếp đến, chiều 23/9/1945 cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, đêm 23/9 công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Tất cả mọi đồ vật như: bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được huy động khuân ra đường dựng lên các chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Ngày 26/9/1945, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Người nhấn mạnh: 

“Hỡi đồng bào Nam Bộ!

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm…

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.

Người còn căn dặn chân tình: “Đối với người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh… phải đối đãi với họ khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp là chính nghĩa, nhân dân cả nước đoàn kết một lòng thì cuộc kháng chiến giữ nước nhất định thắng lợi. Sau một thời gian chuẩn bị, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, cả nước bước vào cuộc chiến tranh chín năm với thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”.

Đáp lại lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của Nhân dân cả nước, Nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước. Ngay lập tức, nhiều tỉnh ở Nam Bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về góp sức với Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn chống thực dân Pháp xâm lược. Hơn 4 tháng anh dũng đánh địch (từ ngày 23/9/1945 đến 9/2/1946), quân dân Nam bộ đã tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch, thu nhiều súng đạn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc.

Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, Nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống Pháp trong những ngày đầu ở Nam Bộ đã giáng đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của kẻ địch, kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, tiêu hao nhiều sinh lực địch, kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, phải chôn chân ở miền Nam nhiều tháng ròng để cả nước chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của quân dân miền Nam thật xứng đáng được Bác Hồ tặng danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc”.

76 năm trôi qua nhưng tinh thần của Ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn hừng hực hào khí cách mạng, vẫn luôn rực sáng trong lịch sử của đất nước. Mỗi chúng ta hôm nay luôn nhớ và tái hiện hình ảnh năm xưa càng thêm tự hào về tinh thần bất khuất, khí phách anh hùng của Nhân dân Nam Bộ và cả nước; đồng thời, mốc son sáng ngời ngày 23/9 như còn in đậm và giữ nguyên giá trị ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương hôm nay ngày càng văn minh và giàu đẹp. Nguyễn Thanh Hoàng

 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tậpNxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

(2) Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử Nam Bộ kháng chiến¸ Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tập 1 (1945 - 1954), tr.237.

 

8006 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 964
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 964
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150859