Chiều 18/5 tại Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái cho biết, trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của Bộ đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi và dự báo 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 18 đợt không khí lạnh; 11 đợt nắng nóng trên diện rộng; 29 đợt mưa lớn trên diện rộng…
|
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TL |
Trong các tháng đầu năm 2022, mặc dù, chưa bước vào mùa mưa bão nhưng thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc; đợt mưa, lũ từ đêm 9-10/5, tại khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh và Bắc Cạn có mưa rất to, lượng mưa phổ biến đạt từ 200-300mm…
Trước mỗi đợt thiên tai, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo Tổng cục KTTV nhận định sớm về các hiện tượng KTTV nguy hiểm và gửi công văn thông báo đến Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các Bộ, ngành và địa phương để nắm bắt thông tin kịp thời có kế hoạch phòng chống.
Nhận định xu thế thiên tai 6 tháng cuối năm 2022, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) từ tháng 5-7/2022, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), sau đó, từ tháng 8-11/2022 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN. Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn).
Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7-9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN từ tháng 6-9/2022. Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022.
“Nắng nóng xuất hiện muộn so với mọi năm. Dự báo có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh, công tác dự báo KTTV năm qua đã luôn đảm bảo sớm, kịp thời, mức độ chính xác cao hơn; thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả nhiệm vụ.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để thực hiện tốt các nội dung đã được phân công tại Kế hoạch PCTT&TKCN của Bộ.
Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương, đặc biệt là cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để đẩy mạnh công tác nghiên cứu các phương pháp, mô hình cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có độ tin cậy cao hơn, chi tiết hơn./.