Ngày 15/01, tại Hải Phòng, Văn phòng Thường trực về nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư”. Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an); Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông); Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); đại diện Văn phòng Thường trực về nhân quyền của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do Tiến sỹ Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thực trực về nhân quyền của Chính phủ nhấn mạnh, việc người dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập và trình độ kiến thức, kỹ năng nghề là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và là quyền tự do của mọi người. Tại Điều 23 Hiến pháp đã ghi nhận “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc. Từ những năm 1980 của thế kỷ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo này là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, kinh tế suy giảm, chính trị bất ổn gây nhiều tác động xấu đến đời sống và thu nhập của người lao động, trong đó có người lao động Việt Nam di cư.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thực trực về nhân quyền của Chính phủ phát biểu đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Nhật Anh) 

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết: Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hằng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người, cụ thể: năm 2016: 126 nghìn; năm 2017: 135 nghìn; năm 2018: 143 nghìn; năm 2019: 152 nghìn; riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn. Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500 nghìn người những năm 2010, đến nay tăng lên khoảng 580 nghìn người, cụ thể: Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 230.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người; khu vực Trung Đông - châu Phi và châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người, còn lại ở các nước khác. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử ....), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia...

Kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần giải quyết việc làm, giảm sức ép về việc làm cho người lao động trong nước (chiếm tỷ lệ khoảng 7 - 9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước), mà qua đó còn góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình.

Tuy nhiên, bên cạnh số người Việt Nam ra nước ngoài lao động hợp pháp, thì cũng có một số lượng khá lớn ra nước ngoài lao động theo các con đường không hợp pháp (vượt biên trái phép, thăm thân rồi ở lại, du học sinh bỏ học, bị lừa bán, bị một số danh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động rồi bỏ rơi...) dẫn đến việc vi phạm pháp luật của nước sở tại, thu nhập không bảo đảm, bị bóc lột sức lao động, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng hoặc thất nghiệp không đủ tiền quay về trong nước và rơi vào cảnh nợ nần...

Tham luận của  Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Tiến Dũng cũng cho biết: Báo chí đã phản ánh sinh động các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam gặp tình huống khó khăn ở nước ngoài (Libya, Saudi Arabia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu…). Đặc biệt, những bài viết, hình ảnh báo chí đưa tin về chiến dịch giải cứu hơn 10 ngàn lao động Việt Nam làm việc trong vùng chiến sự, đầy bom rơi đạn nổ tại Libya năm 2011, trong một thời gian ngắn đã kết thúc ấn tượng, làm ấm lòng đồng bào cả nước. Hoặc những thông tin về việc Chính phủ Việt Nam tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở các nước và khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 về nước đã làm cho cả thế giới phải ấn tưởng, nể phục... Những kết quả này một mặt cho chúng ta nhiều bài học; mặt khác, cũng là một minh chứng đầy thuyết phục về khả năng của Việt Nam trong việc huy động trí tuệ, nhân vật lực và tranh thủ sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giải quyết các hậu quả của khủng hoảng lao động di cư ngoài tầm mức quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, vẫn còn những vấn đề yếu kém, trong đó đáng chú ý là những hạn chế về trình độ, ý thức người lao động dẫn đến thiếu thông tin về công việc và thị trường lao động tại đất nước mà người lao động sẽ đặt chân đến; hoặc nhiều người lao động phải chấp nhận vay số tiền lớn để đi xuất khẩu lao động mà đôi khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài vẫn chưa đủ tiền trả nợ. Bên cạnh đó, do tình trạng lưu trú bất hợp pháp nên người lao động có thể đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi… Đặc biệt, thảm kịch 39 người bị chết trong container ở Anh năm 2019 đã báo động về thực trạng người Việt Nam đi lao động “chui” tại nước ngoài.

Nhấn mạnh về tình trạng vi phạm pháp luật trong việc đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, Thượng tá Phan Quốc Việt, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết: Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân đi lao động trái phép ở nước ngoài. Đặc biệt, trên tuyến biên giới, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lừa bán, ép làm mại dâm, làm vợ, đẻ thuê, trong đó sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), sang Lào và Campuchia (11%), còn lại là đưa trái phép sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.

 Hội thảo "Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư" . (Ảnh: Nhật Anh)

Từ những thông tin được cung cấp qua các ý kiến tham luận và thảo luận tại Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư.

Tham luận của PGS. TS. Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất: Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm quyền di cư của công dân. Rà soát để có định hướng khắc phục những bất cập trong thực thi pháp luật đảm bảo quyền đối với lao động di cư tự do. Xây dựng một chiến lược, chính sách quốc gia và những khuôn khổ pháp luật có sự liên kết hợp tác quốc tế về lao động nói chung và lao động di cư tự do nói riêng. Thành lập cơ quan và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực, tận tụy và có tâm với người lao động di cư. Thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia nhận và gửi lao động.

Đồng thời, cần tiếp tục tạo lập các cơ chế thực thi có hiệu quả nhằm bảo vệ các quyền của người lao động di cư và tập huấn về quyền con người cho tất cả các quan chức Chính phủ và phi Chính phủ có liên quan đến vấn đề lao động di cư; bảo đảm sự tôn trọng các tiêu chuẩn về tuổi lao động tối thiểu, bảo vệ các điều kiện lao động và chống buôn bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ người lao động trong tất cả các giai đoạn di cư thông qua việc cung cấp thông tin, tập huấn và dạy tiếng cho họ; bảo đảm người lao động di cư có thể hiểu và thực hiện các hợp đồng lao động; phê chuẩn và thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật quốc tế về người lao động di cư;....

Ý kiến của đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Dự kiến năm 2021, sẽ có khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định sẽ có khoảng 120 - 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Vì vậy, trong các giải pháp, cần chú trọng tăng cường công tác quản lý trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này.

Ý kiến của đại diện Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đề xuất: Cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua đó nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội; đồng thời ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Các cơ quan báo chí truyền thông cần quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Lao động năm 2012; Luật số 72/2006/QH11 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Luật số 69/2020/QH14 về Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi năm 2020); đồng thời tuyên truyền về nội dung các Công ước và Điều ước quốc tế có liên quan đến vấn đề lao động mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, ý kiến đề xuất của đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) nhấn mạnh các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, lễ phát động, các chiến dịch truyền thông, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước trong khu vực; tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả về mua bán người; tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Kết luận Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thực trực về nhân quyền của Chính phủ mong muốn những thông tin và ý kiến đề xuất từ Hội thảo sẽ góp phần giúp Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác tổ chức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn và bằng các con đường hợp pháp nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân; khẳng định đây là một chính sách có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người lao động Việt Nam. Đồng thời qua đó phản bác lại những thông tin của các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, tiếp tay cho tội phạm buôn bán người, không bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam di cư.

 
Trần Quỳnh