|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chính phủ đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành cho năm 2021, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài.
Trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2021.
Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ các chính sách vĩ mô để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc. Đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại. Phát triển mạnh hạ tầng số. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập. Phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực để tạo niềm tin, đồng thuận trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2021
Nghị quyết đề ra 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục 4.
Về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trước hết, triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ để phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19 sớm nhất. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép. Chủ động bố trí nguồn lực, triển khai kịp thời, phù hơp các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Điều hành chủ động, phối hợp chặt chẽ các chính sách, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Nâng cao chất lượng và tích hợp cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo.
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án kết cấu hạ tầng KTXH trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng. Phát triển kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng; quản lý và phát triển đô thị. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực phù hợp cho xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, có giải pháp thu hút, bồi dưỡng nhân tài. Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Phát huy vai trò hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Nâng cao trình độ, thành tích của thể thao thành tích cao. Tổ chức tốt việc đăng cai Sea Games 31 và ASEAN Para Games 31. Bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm, chất lượng tiêm chủng, khám, chữa bệnh. Phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững; bảo đảm việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho người dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội. Triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Tăng cường các nguồn lực thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân đội, bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trên các tuyến biên giới, biển đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước.
Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Về tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị quyết yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cụ thể hoá Nghị quyết bằng các chương trình hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình để tổ chức thực hiện.
Các bộ, ngành phải làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như thực hiện tốt công tác quản lý ngành, lĩnh vực để đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết của Chính phủ về phát triển KTXH, NSNN năm 2021.
Các chỉ tiêu KTXH năm 2021 gồm:
a) 12 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ (Phụ lục 1).
b) 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực (Phụ lục 3). Đây là các chỉ tiêu cụ thể mà Chính phủ đặt ra cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.
c) Kịch bản tăng trưởng năm 2021 (Phụ lục 2) chia theo từng quý và cả năm.
|
Hà Chính