Hình ảnh mô phỏng của vệ tinh LOTUSat-1 (Ảnh: JICA)
Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí về Dự án “Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất” diễn ra vào ngày 18/10 tại Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, JICA cho biết Việt Nam và Nhật Bản đang chuẩn bị để sản xuất vệ tinh radar LOTUSat - 1.
Dự án được tài trợ bằng vốn vay Nhật Bản, với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan chủ quản và Trung tâm Vũ trụ Quốc gia là cơ quan thực hiện dự án. Đây là dự án trọng điểm trong “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006.
Trong khuôn khổ dự án, các vệ tinh quan sát cảm biến radar với công nghệ đã được kiểm chứng sẽ được chế tạo và phóng lên quỹ đạo. Công nghệ đã được kiểm chứng này cũng sẽ được áp dụng cho các loại vệ tinh khác phục vụ mục đích như thông tin liên lạc, hàng hải và nghiên cứu khoa học trong tương lai. Vệ tinh sẽ sử dụng các thành tựu thực tế của công nghiệp vũ trụ Nhật Bản với công nghệ mới nhất về cảm biến radar và tiết kiệm về mặt chi phí. Công nghệ này thực sự phù hợp với các kế hoạch và viễn cảnh mà Việt Nam đang hướng tới, đồng thời đóng góp vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Sau khi phóng vệ tinh lên quỹ đạo, thời gian Việt Nam lấy được ảnh vệ tinh sẽ được rút ngắn đáng kể từ 16 giờ xuống còn 6 giờ. Ngoài ra, việc này cũng giúp Việt Nam có được ảnh vệ tinh trên một vùng rộng lớn hơn nhiều bao gồm cả trên biển một cách linh hoạt và phù hợp. Việc sở hữu những vệ tinh này giúp Việt Nam chụp được ảnh vệ tinh theo yêu cầu của người sử dụng cuối cùng ở độ phân giải cao.
Dự án phù hợp với hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ, theo đó, ngành công nghệ vũ trụ là lĩnh vực được ưu tiên và được nêu trong tuyên bố chung của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10/2006. Dựa trên cơ sở đó, JICA đã thực hiện khảo sát sơ bộ và thỏa thuận cho vay vốn đã được ký kết vào năm 2011 giữa chính phủ Việt Nam và JICA./.
Kiều Giang