Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; tình hình trong nước, bên cạnh những điểm sáng trong phát triển kinh tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương.

Dự kiến, các địa phương hoàn thiện phương án xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cùng thúc đẩy giải ngân kế hoạch 2019, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, bám sát với thực tiễn của nền kinh tế, khả năng cân đối vốn của cả nước.

Tạo chuyển biến trong đầu tư công để góp phần hiệu quả trong phát triển kinh tế (Ảnh: HNV)

Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng phương án kế hoạch 2020, dự báo các vấn đề đột xuất, phát sinh trong triển khai kế hoạch 2020, khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành phố, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp tháo gỡ cho địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nước và đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đã đề ra (6,8%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ đồng hành cùng địa phương tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi một số định hướng cơ bản và các nét đổi mới trong xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025, cùng thảo luận để đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí nhằm hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long; Đồng thời, cũng tính tới các tỉnh, thành phố điều tiết, tiêu chí ưu tiên bố trí vốn cho các dự án liên kết Vùng kinh tế trọng điểm để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội,… để các Vùng kinh tế động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Cùng thời điểm chuẩn bị triển khai Luật Đầu tư công 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giới thiệu các điểm mới trong Luật này như thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công, theo đó, quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật; Tháo gỡ vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công như trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; Phân cấp mạnh mẽ hơn nữa thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế./.

HA.NV