|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhân dân sẽ không chấp nhận nếu chúng ta không tiến bước, cuộc sống phải phát triển hơn, đất nước phải giàu hơn. |
Đây là những nội dung liên tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong các sự kiện gần đây, với yêu cầu “năm tới phải đổi mới mạnh mẽ hơn”.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, đồng thời là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021.
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 và cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết 01 năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn là một khâu vướng mắc và đã đến lúc cần chỉ ra cụ thể nằm ở luật nào, nghị định, thông tư nào, điều khoản nào, không nói chung chung.
Cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm tổ trưởng với sự tham gia của các bộ cho nhiệm vụ rà soát và xử lý các vướng mắc trên, Thủ tướng nhắc lại tinh thần thể chế, chính sách phải tạo thuận lợi cho sự phát triển, phân cấp mạnh mẽ, giao quyền chủ động cho ngành, địa phương tốt hơn nữa, nhất là cho địa phương, hạn chế xin cho, đặc biệt là giải phóng được nguồn lực, giải phóng sức sản xuất. Nếu kìm hãm nguồn lực do ý chí chủ quan của mình thì đất nước không thể phát triển được.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã có bài viết quan trọng về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng nêu rõ nhân dân sẽ không chấp nhận nếu chúng ta không tiến bước, cuộc sống phải phát triển hơn, đất nước phải giàu hơn, nhất là năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Có thể nói, với việc thành lập Tổ công tác đặc biệt và yêu cầu rà soát, tháo gỡ từng vướng mắc nằm tại từng điều khoản của các văn bản, Thủ tướng đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ chưa từng thấy đối với công tác hoàn thiện thể chế.
“Khát vọng vươn lên phải ở các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân. Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống”, Thủ tướng nói. Phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ để tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Dự kiến 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ
Báo cáo Chính phủ về dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đổi mới thể chế và khơi thông các nguồn lực.
Dự kiến 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2020 là:
(1) Công tác thể chế: đẩy mạnh đổi mới, cải cách trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh.
(2) Điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; phát huy mạnh mẽ vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; chỉ đạo quyết liệt tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.
(3) Bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
(4) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
(5) Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Thực hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN; thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
(6) Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc; chuẩn bị tốt mọi mặt cho đại hội Đảng các cấp và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khóa XV.
10 nhóm giải pháp lớn
Trên cơ sở 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành, dự kiến xây dựng 42 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được sắp xếp trong 10 nhóm. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là về thể chế gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Về điều hành vĩ mô gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp; về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Về huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp; về tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giảo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp.
Về phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế gồm 9 nhiệm vụ, giải pháp; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lỷ tài nguyên và bảo vệ môi trường gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp.
Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp.
Về củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp.
Về đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp.
Đồng thời, dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020 dự kiến có 4 Phụ lục. Phụ lục số 1 về phân giao 12 chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua cho các cơ quan để theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện và đề ra mục tiêu phấn đấu của Chính phủ.
Phụ lục số 2 về dự kiến kịch bản tăng trưởng năm 2020 làm kịch bản cơ sở và sẽ được theo dõi cập nhật tình hình định kỳ. Phụ lục số 3 về một số chỉ tiêu ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện. Phụ lục số 4 về nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan thực hiện trong năm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, rà lại nhiều lần để có một Nghị quyết chất lượng, đưa ra thảo luận tại Hội nghị toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng này.
Hà Chính