|
Nhóm hàng nông-lâm-thuỷ sản đã góp mặt trong nhóm "xuất khẩu tỷ đô". Ảnh minh hoạ. |
Nếu như năm 2010, chỉ có 20 mặt hàng cán mốc xuất khẩu trên 1 tỷ USD, năm 2015 con số này là 23 mặt hàng còn năm 2019 đã có tới 31 mặt hàng cán mốc xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Không những thế, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD giờ không chỉ là các mặt hàng công nghiệp mà đã mở rộng sang những mặt hàng nông sản, thủy sản - nhóm hàng vốn có các điều kiện gia tăng giá trị khó khăn hơn.
Đáng chú ý, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với 166,7 tỷ USD, tăng 3,8 tỷ USD trong 11 tháng qua. Khu vực kinh tế Nhà nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, cho thấy những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang đi đúng hướng.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau của tháng 12.
“Nếu như năm 2017 con số này là 400 tỷ USD thì chỉ đúng sau 2 năm, Việt Nam đã đạt mốc 500 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng và rất đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam năm 2019”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Thứ trưởng cũng nhìn nhận, đạt được kết quả này là nhờ công tác đàm phán mở cửa thị trường được tập trung triển khai suốt thời gian qua. 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, trong đó 12 hiệp định đang có hiệu lực. Gần đây nhất là Hiệp định CPTPP đã mở ra nhiều thị trường mới, có sự tăng trưởng cao. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường toàn cầu theo hướng hiện đại, cũng tích cực đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý về vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa và cho biết Bộ Công Thương sẽ chú trọng thực hiện các quy định, tăng cường quản lý nhà nước về gian lận xuất xứ để đảm bảo các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu theo Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”…
Phan Trang