Cần mô hình mới cho tăng trưởng bền vững
Theo nhận định của TS. Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng HIDS, với đà tăng trưởng kinh tế (GDP) ngày càng mạnh về cuối năm, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay (6,7%) là hoàn toàn có thể đạt được.
Vẫn còn ý kiến e ngại khu vực nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai vừa qua ở miền Trung, nhưng dự báo tất cả các yếu tố này chỉ ảnh hưởng tới GDP từ 0,1 đến 0,2%. Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng trưởng ổn định suốt từ năm 2012 tới nay và dự kiến cả năm nay cũng sẽ tăng hơn 10% so với năm 2016.
“Lạm phát năm 2018 tới đây cũng sẽ ở mức thấp”, ông Tuấn nhận định.
Dù vậy, vẫn còn đó những vấn đề kinh tế lớn mà Việt Nam đang đối mặt. Đó là tăng trưởng vẫn còn theo chiều rộng, năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp, nợ công có xu hướng tăng, hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn vốn cho đầu tư phát triển khan hiếm, chất lượng nguồn nhân lực và khả năng thích ứng, nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là dấu hỏi lớn.
Vì vậy, theo nhà nghiên cứu từ HIDS, đã đến lúc cần mô hình mới cho tăng trưởng bền vững. Trong đó, yếu tố tiên quyết là hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô.
Tiếp đó là hoàn thiện hành lang pháp lý cho cổ phần hóa, định giá DN nhà nước, đầu tư công. Phát triển thị trường vốn (huy động vốn từ chứng khoán) để san sẻ gánh nặng cho thị trường tiền tệ (vay vốn từ ngân hàng). Khuyến khích sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ…
Đáng chú ý, trong phần tham vấn chính sách ngắn gọn của mình, người đại diện HIDS còn nhấn mạnh nhu cầu cần “phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh với công nghệ hiện đại, trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế, có thể làm nòng cốt dẫn dắt ngành; cần hỗ trợ cho sự phát triển DN nhỏ và vừa (SMEs) trong nước để nâng cao sức cạnh tranh với DN nước ngoài”.
Một khuyến nghị khác mà HIDS cho rằng đang đóng vai trò không kém phần quan trọng trong tạo lập môi trường cho DN sắp tới là cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ bản gánh nặng chi phí đối với DN, nhất là SMEs.
Nhìn từ "hệ thống mạch máu" của nền kinh tế
Được xem như "hệ thống mạch máu" của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng (gồm cả trái phiếu DN) đối với toàn nền kinh tế đến hết tháng 10 ước tăng 13,5% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, ở phía huy động vốn, mức tăng này lại chậm hơn khi chỉ mới quanh 12%. Nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế càng về cuối năm sẽ càng căng thẳng vì cho vay đang tăng nhanh hơn huy động.
"Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 21%, khả năng nhiều ngân hàng sẽ không thể “đua” kịp tiến độ”, ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VietABank ước tính.
Cũng theo nhà quản trị ngân hàng này, cùng với xu thế hồi phục của kinh tế toàn cầu, dự báo đa số ngân hàng sẽ có lãi trong năm nay. Và năm 2018 sẽ là một năm đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức với ngành ngân hàng. Bởi áp lực đáp ứng vốn cho mùa kinh doanh dịp Tết Nguyên đán lẫn sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu vốn (cả ngắn, trung, dài hạn) đang tăng lên.
Trong khi đó, sự san sẻ của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là có giới hạn. Ngân hàng cũng sẽ vất vả hơn khi xoay sở với các chỉ số an toàn hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tuân thủ. Còn người gửi tiền chỉ thích chọn kỳ hạn ngắn. Do đó, các nhà cho vay sẽ phải vận động hết sức để có đủ vốn cung ứng ra thị trường. Vì vậy, “mặt bằng lãi suất do đó cũng sẽ nhích lên”, ông Linh dự báo.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, có lẽ hơn ai hết, DN là người cảm nhận được xu thế này rất rõ. Thế nên, các công ty bất động sản lớn trong giai đoạn hiện tại rất hạn chế vay vốn ngân hàng (Đất Xanh, Nam Long…). Thay vào đó, họ chủ yếu tìm kiếm nguồn tài trợ vốn trung dài hạn từ các đối tác.
Cuối cùng, vị lãnh đạo ngân hàng này tin rằng tỷ giá VND chịu nhiều sức ép do biến động tăng giá USD so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực.
Phương Hiền