Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn.

Điều này đã được Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (PV): Với vai trò là người đứng đầu một thể chế tài chính toàn cầu tại Việt Nam, ông có thể đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua?

Ông Jonathan Dunn: Nền kinh tế của Việt Nam đã vận hành rất tốt trong năm 2017, với tỷ lệ tăng trưởng thực tế ước đạt 6,8%. Đây là một tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và đã phản ánh sự dịch chuyển của Việt Nam sang một loạt các lĩnh vực chế tạo cũng như tầm quan trọng ngày càng gia tăng của lĩnh vực dịch vụ. Trong năm 2017, các chính sách tiền tệ và tài chính đã đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng, và sự quan tâm chặt chẽ của chính phủ đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô đã bảo đảm duy trì lạm phát ở mức thấp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tận dụng luồng tiền vào mạnh mẽ trong năm 2017 để nâng dự trữ quốc tế lên mức kỷ lục.

PV: Việt Nam vừa khép lại năm 2017 với nhiều dấu ấn tăng trưởng trong GDP, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư... Ông hãy đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy đà tăng trưởng này trong năm 2018?

Ông Jonathan Dunn: Việt Nam bước sang năm 2018 với rất nhiều động lực, gồm cả vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất từ trước tới nay trong năm 2017 – một yếu tố giúp thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng trong những năm tới. Thời cơ này cần được tận dụng để theo đuổi những cải cách nhằm củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững.

Cụ thể hơn, sự tăng trưởng kinh tế bền vững phụ thuộc vào việc thực hiện các chính sách giúp bảo đảm tiếp tục ổn định của nền kinh tế vĩ mô và tạo dư địa để chính phủ có thể ứng phó với các cú sốc về kinh tế. Đối với chính sách tài khóa cần theo đuổi những mục tiêu do chính phủ đề ra nhằm cắt giảm nợ công bằng cách giảm thâm hụt ngân sách xuống hoặc dưới mức 3% GDP vào năm 2021, trong khi tiếp tục tăng thu ngân sách và bảo toàn các khoản chi cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Về chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ tăng trưởng bền vững bằng một chính sách tiền tệ trung lập hơn, với các mục tiêu tín dụng thấp hơn trong ngắn hạn. Trong trung hạn, Việt Nam có thể dần dần hiện đại hóa khuôn khổ cơ chế chính sách tiền tệ, áp dụng một tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa để phát triển nền kinh tế và thị trường vốn trong nước mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Lĩnh vực cải cách ngân hàng cũng đang tiến triển tốt.  Tất cả các ngân hàng, gồm cả ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước cần tập trung đáp ứng những nhu cầu vốn tối thiểu và giải quyết các khoản nợ xấu đang tồn đọng theo Nghị quyết 42 do Quốc hội thông qua năm 2017. Tăng cường vốn của ngân hàng và xử lý nợ xấu nhìn chung đều quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà các điều kiện tài chính trên toàn cầu đang bắt đầu được thắt chặt.

Các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (SOE) giai đoạn 2016 – 2020 tập trung vào việc cải thiện quản trị và tính minh bạch của SOE. Việc đầu tư hạn chế của các SOE cũng là một biện pháp chủ chốt để nâng cao tính hiệu quả của SOE nhằm đạt được những kết quả kinh tế tích cực hơn. Việc bán cổ phần của các SOE lớn trong năm 2016 và 2017 là một tín hiệu khích lệ cho thấy tái cơ cấu quan trọng trong lĩnh vực nhà nước sở hữu đang được thực hiện và ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế dịch chuyển sang khu vực tư nhân, dựa theo chủ trương của chính phủ nhằm tập trung vào tăng trưởng do khu vực tư nhân đóng vai trò tiên phong.

PV: Việt Nam đã tổ chức thành công APEC 2017 với kết quả tích cực về chính sách và giải pháp kết nối cộng đồng doanh nghiệp. Ông hãy đánh giá về ý nghĩa thiết thực của tiến trình này đối với lĩnh vực hợp tác kinh tế trong khu vực?

Ông Jonathan Dunn: APEC 2017 do Việt Nam đăng cai tổ chức là một sự kiện thành công nổi bật. Các vòng thảo luận đã đạt được sự thống nhất chung nhằm tăng cường quyết tâm của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc tiếp tục theo đuổi tiến trình hội nhập khu vực và thúc đẩy một tương lai chung. Các hành động cụ thể cũng đã được đưa ra nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thuế quốc tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo hiểm, ứng phó với rủi ro thảm họa, và lĩnh vực tài chính toàn diện. Hơn nữa, đã có những tuyên bố về tiến triển của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bên lề hội nghị APEC. Điều này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và các nước APEC đối với một hệ thống thương mại cởi mở và bình đẳng.

PV: Trong năm qua, IMF đã rất tích cực hỗ trợ phát triển nền kinh tế Việt Nam. Sang năm 2018, IMF sẽ có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam?

Ông Jonathan Dunn: IMF rất vui mừng được hỗ trợ Việt Nam trong năm APEC 2017, trong đó có việc Tổng Giám đốc Christine Lagarde dự Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra ở Đà Nẵng theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Các hoạt động hỗ trợ khác của chúng tôi bao gồm tiến hành đối thoại về chính sách kinh tế một cách chặt chẽ và thường xuyên với chính phủ và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan Chính phủ. Trong năm 2018 và thời gian tới, IMF sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác để hỗ trợ những nỗ lực cải cách của Việt Nam thông qua tư vấn về chính sách và nâng cao năng lực./

Thu Lan (thực hiện)