Về hoạt động bổ trợ tư pháp, đối với luật sư, Sở Tư pháp đã đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho 01 Văn phòng luật sư và 01 chi nhánh Văn phòng luật sư; cấp lại giấy đăng ký hoạt động cho 01 văn phòng luật sư; tiếp nhận hồ sơ Quyết định giải thể và thu hồi giấy phép hoạt động của chi nhánh công ty luật TNHH MTV Hiệp Phát. Ban hành công văn về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng Luật sư Bình Minh và cộng sự. Tổ chức Đoàn kiểm tra hoạt động của Văn phòng luật sư Thiên Phong. Trong năm, các tổ chức hành nghề Luật sư đã thực hiện 451 việc, trong đó việc về hình sự là 25, số việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác là 127, trợ giúp pháp lý là 219; thu 500 triệu đồng, nộp thuế 45 triệu đồng.
Để nâng cao chất lượng về hoạt động đấu giá tài sản và hạn chế tối đa tình trạng vi phạm quy định về bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát thủ tục hành chính về đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá; ban hành văn bản triển khai thực hiện Thông tư số 45/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài theo quy định của Luật Bán đấu giá tài sản. Năm 2017, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thực hiện 353 cuộc bán đấu giá với giá trị tài sản bán được trên 128,2 tỷ đồng, tăng thu so với giá khởi điểm gần 10 tỷ đồng; phí thu được trên 590 triệu đồng.
Về giám định tư pháp, năm 2017, Sở Tư pháp đã tập trung kiện toàn đội ngũ giám định viên tư pháp; ban hành hai văn bản đề nghị, đôn đốc các cơ quan đơn vị lập hồ sơ làm thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm 09 giám định viên tư pháp lĩnh vực nông nghiệp, 01 giám định viên tư pháp lĩnh vực kế toán, nâng tổng số giám định viên tư pháp địa bàn tỉnh lên 31 người (kỹ thuật hình sự 12, pháp y 4; giám định viên theo vụ việc 15). Công bố danh sách giám định viên tư pháp trên trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị.
Năm 2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã tiến hành giám định 699 vụ việc (gồm 590 vụ giám định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng và 109 vụ giám định ngoài tố tụng), tăng 175 vụ so với cùng kỳ năm 2016; Trung tâm pháp y tỉnh thực hiện 263 vụ việc. Công tác giám định luôn tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo tính khách quan, chính xác, phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Sở Tư pháp đã đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ cho 01 công chứng viên; thông báo ghi tên vào danh sách tập sự hành nghề công chứng 03 trường hợp. Trong năm, Phòng Công chứng số 01 tỉnh đã thực hiện 7612 hợp đồng, giao dịch dân sự và các trường hợp khác. Tổng số lệ phí công chứng, chứng thực thu được là 1,136 tỷ đồng; Phòng Công chứng số 02 tỉnh đã thực hiện 4642 hợp đồng, giao dịch dân sự và các trường hợp khác. Tổng thu phí công chứng, chứng thực là: 723.355.000 đồng.
Ở cấp huyện và cấp xã, các phòng tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã đã bố trí địa điểm chứng thực tại “Tổ tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế 1 cửa” hoặc ở Văn phòng UBND cùng cấp nên việc thực hiện công tác chứng thực nhanh chóng và thuận tiện hơn. Kết quả chứng thực tại các phòng tư pháp trên địa bàn tỉnh gồm chứng thực bản sao 20.186 bản với tổng lệ phí thu được gần 90 triệu đồng, số việc chứng thực 3.046 việc với tổng lệ phí trên 30 triệu đồng; tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh gồm chứng thực bản sao 706.451 bản với tổng lệ phí thu được hơn 1,5 tỷ đồng, số việc chứng thực 40.594 việc với tổng lệ phí thu được 728 triệu đồng.
Về quản tài viên, Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp công bố danh sách quản tài viên hành nghề thanh lý, quản lý tài sản. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 04 Quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân.
Về công tác lý lịch tư pháp, trong năm, Sở Tư pháp đã thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 2.553 trường hợp. Tiếp nhận 1.715 thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan liên quan cung cấp. Lập 492 hồ sơ lý lịch tư pháp và đã chuyển bản ý lịch tư pháp điện tử cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Cung cấp 86 thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp khác để xử lý theo thẩm quyền.
Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận và tư vấn 2.243 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có 116 vụ tham gia tố tụng. Tổ chức được 33 đợt khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và 55 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã thu hút 1.954 người dân tham dự, trong đó có 1.821 người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Thực hiện 24 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý về tại địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, thu hút 720 người dân tham dự. Qua các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã giới thiệu với người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý, điều kiện để được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, địa chỉ của Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm, thủ tục để được trợ giúp pháp lý, giúp người dân nắm bắt được các thông tin về hoạt động này. Nhờ đó đã nâng cao nhận thức của người dân về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của trợ giúp pháp lý đồng thời ngày càng nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các địa phương. HY- VPTU