Năm 2016, ghi nhận mức kỷ lục 110.100 doanh nghiệp thành lập mới 

(ĐCSVN) – Ngày 11/4, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo công bố kết quả tính toán sơ bộ một số chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.

Theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc “hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020” và Quyết định số 435/QĐ-BKHĐT ngày 31/3/2017 về thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thống kê được giao chủ trì xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các cơ quan hữu quan để tính toán sơ bộ một số tiêu chí. Tại họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh đã thông tin khái quát về một số tiêu chí cơ bản, gồm:

Về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, tính đến 31/12/2016, trên phạm vi cả nước có 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với 2015. Những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển cao là: Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang, Lào Cai…; những tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Về số doanh nghiệp thành lập mới, năm 2016 ghi nhận mức kỷ lục là 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với 2015, trong đó các vùng có tốc độ doanh nghiệp thành lập mới cao so với cả nước là trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.

Về số doanh nghiệp ngừng hoạt động, năm 2016, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký là 19.917 doanh nghiệp, có 55/63 tỉnh, thành phố có số doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2016 tăng so với năm 2015, còn lại chỉ có 8 tỉnh, thành phố giảm hoặc không tăng.

Cả nước có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2016 sau một thời gian ngừng hoạt động, tập trung nhiều ở: Bến Tre, Hậu Giang, Bình Dương,  Thái Bình, Hà Tĩnh, Cà Mau…

Cũng năm 2016, cả nước có 12.478 doanh nghiệp giải thể, tăng 31,8% so với 2015.

Tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 là 12,86 triệu người, bình quân giai đoạn 2000-2015 tăng 9,4%/năm, trong đó nổi lên một số địa phương có tốc độ thu hút lao động cao và ấn tượng như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Trà Vinh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Long An, Tây Ninh…

Tổng vốn thu hút vào khu vực doanh nghiệp cả nước tại thời điểm 31/12/2015 đạt 23.656,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu theo giá hiện hành đạt 14.949,2 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp này đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước là 746,4 nghìn tỷ đồng.

Phân tích về khác biệt giữa bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp và bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, tất cả các đánh giá chỉ số đều nhằm định hướng mức độ, điều kiện thuận lợi cũng như mọi yếu tố liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ khác nhau ở cách tiếp cận. Nếu bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp dựa trên các số liệu thống kê sẵn có để đánh giá thì bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đánh giá sự cảm nhận của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh mà cấp ủy, chính quyền địa phương đó triển khai.

Liên quan tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà Chính phủ đặt ra, ông Nguyễn Hồng Long, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đều bày tỏ lạc quan trước tính khả thi của mục tiêu này, đồng thời làm rõ thêm một số căn cứ để khẳng định có khả năng đạt được mục tiêu trên từ việc chuyển đổi cơ cấu doanh nghiệp, củng cố và đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế…

Ông Phạm Đình Thúy cũng cảnh báo, trong hội nhập sâu rộng như hiện nay, với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khốc liệt, nguy cơ “thua trên sân nhà” của doanh nghiệp Việt là khá rõ, do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

Cũng tại họp báo, giải đáp thắc mắc liên quan tới nội dung chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp và đánh giá về mức độ hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào ngân sách của khối doanh nghiệp các tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, sẵn sàng vì nhân dân và doanh nghiệp phục vụ sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong tạo lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển./.

Hà Anh

1023 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 800
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 800
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87027269