|
Ảnh minh họa |
Bộ Thương mại Mỹ kết luận rằng, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc là 0%, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên nên cũng được hưởng mức thuế 0%.
Các công ty này gồm Công ty Thủy sản Bạc Liêu, Công ty CP XNK Lâm Thủy Sản Bến Tre, Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX, Công ty Cổ phần Camimex Group, Công Ty CP Chế Biến Và Dịch Vụ Thủy Sản Cà Mau, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long…
Theo các doanh nghiệp, việc Bộ Thương mại Mỹ công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá dành cho tôm Việt Nam là 0% là một tin vui đối với ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, bởi với mức thuế này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp hồ sơ, số liệu chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá, thỏa mãn yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.
Mặc dù đây mới chỉ là công bố sơ bộ và còn phải chờ phán quyết cuối cùng mới chắc chắn mức thuế mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng, tuy nhiên, công bố này đã củng cố niềm tin cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và người mua tôm tại Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, công bố này chỉ mới tạo ra tác động tích cực về mặt tinh thần cho các doanh nghiệp chứ chưa tạo ra giá trị trực tiếp đến việc xuất khẩu tôm vào Mỹ vì tất cả còn phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng.
Theo ông Trương Đình Hòe, mục tiêu xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2019 là 600 triệu đô la Mỹ (USD) nhưng tính đến ngày 15/3, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ mới đạt 80 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường Mỹ do phải chịu cạnh tranh trực tiếp về giá với tôm Ấn Độ, trong khi vẫn phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 4,58%.
Mặc dù công bố sơ bộ đưa ra mức thuế 0% nhưng trên thực tế doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế từ kỳ xem xét trước đó (4,58%) và cũng chưa chắc chắn về kết quả cuối cùng. Nếu mức thuế 0% được áp dụng trong phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng 9 năm nay thì đó sẽ là cú hích thật sự cho hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ trong quý 4 và những năm sau.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 trước bối cảnh nguồn cung thế giới tăng cao do được mùa, giá tôm sụt giảm từ 10 - 30% nhưng ngành tôm Việt Nam đã kịp thời có giải pháp ứng phó, chia sẻ khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Qua đó, sản lượng tôm nước lợ đạt trên 762.000 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Năm 2019, ngành tôm được dự báo là sẽ đối mặt với những thách thức mới như: tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ sụt giảm, dẫn đến lượng tiêu thụ tôm có thể giảm trong khi lượng tôm tồn kho vẫn còn. Biến đổi khí hậu và thời tiết đang có những diễn biến khó lường như hiện tượng El nino, hạn hán, xâm nhập mặn... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tôm. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ có tác động đến các thị trường nhâp khẩu tôm của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm từ 4,1 - 4,2 tỷ USD trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm khai thác tốt nhất các cơ hội cho ngành tôm.
Thanh Hằng