Muốn xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Mỹ, DN cần nắm rõ những gì? 

(Chinhphu.vn) - Ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) tại TPHCM cho biết, một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam do chưa nắm rõ quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ, nên không xuất khẩu hàng được vào thị trường này.
Ảnh minh họa
Nhiều DN chưa nắm rõ luật mới của Mỹ

Trong những năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực cho nhiều ngành hàng của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, theo quy định mới về an toàn thực phẩm (ATTP) dành cho sản phẩm nhập khẩu, dựa vào Luật Hiện đại hóa ATTP, ông Mark Gillin quan ngại rằng, việc thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ.

Đơn cử, tính từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 4 có 23 cuộc cảnh báo đối với hàng nhập khẩu mà Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức đưa lên trên website.

Ông Mark Gillin, cho biết: Theo quy định mới trong Luật Hiện đại hóa ATTP, tất cả các nhà máy phải gia hạn đăng ký sau mỗi hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ 1/10-31/12. Trong tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ, nhưng trong tháng 1/2017 con số này rớt xuống còn 806 nhà máy.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là do có  hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới này, đã không gia hạn đăng ký, nên rớt khỏi danh sách và hiện không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ.

Tại diễn đàn ATTP toàn cầu, do AmCham Vietnam và Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 28/8, tại TPHCM, theo các chuyên gia, Luật Hiện đại hóa ATTP có rất nhiều quy định mới, do đó DN Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt và tuân thủ những quy định mới này, từ đó duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lành mạnh đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm giữa Việt Nam và Mỹ.

Chia sẻ với các DN, bà Janie Dubois, Giám đốc phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu ATTP và dinh dưỡng ứng dụng  (JIFSAN) cho hay, quy định kiểm tra các lô hàng thực phẩm tại cửa khẩu thực hiện theo quy trình có phần mềm đơn giản đánh giá rủi ro từng lô hàng một, rồi kiểm tra xem có vi sinh, vi khuẩn không, nếu có vấn đề gì đó thì lấy mẫu.

Với Luật Hiện đại hóa ATTP, nhiều quy định khác hình thành, đòi hỏi DN xuất khẩu phải duy trì kinh doanh lành mạnh đối với nông sản và thực phẩm. Việc kiểm nghiệm thường được thực hiện cả với nguyên liệu hàng hóa, chứ không chỉ là thành phẩm cuối cùng. Trường hợp sản phẩm không đạt yêu cầu về ATTP sẽ bị đưa vào “danh sách đỏ”. Lúc này Chính phủ phải tham gia bảo đảm có sản phẩm sạch vào Hoa Kỳ.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhằm giúp DN Việt Nam đáp ứng những đòi hỏi trong quy định mới về ATTP tại các thị trường xuất khẩu, đầu năm 2017, Hội đã đưa ra sáng kiến xây dựng bộ tiêu chí "Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”. Bộ tiêu chí này được dựa trên nền tảng cơ sở tuân thủ hệ thống văn bản pháp lý về chất lượng sản phẩm của Việt Nam, tổng hợp những tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế có tính phổ quát phù hợp hoặc tương đương.

Riêng đối với ngành nông nghiệp và thực phẩm, bộ tiêu chí cũng tổng hợp các tiêu chuẩn phổ quát quy định bởi FDA, tiêu chuẩn BRS của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc, tiêu chuẩn IFS của Hiệp hội Thực phẩm Đức… bảo đảm tính tương đồng là cùng hướng đến mục tiêu ngăn ngừa rủi ro trong ATTP. Tuy nhiên, theo bà Kim Hạnh, Luật Hiện đại hóa ATTP của FDA có tính pháp lý, còn bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” có tính tự nguyện.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Vấn đề ATTP luôn được Việt Nam quan tâm và chú trọng, trong đó các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao và kiểm soát chặt chẽ.

Bộ Y tế luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các hiệp hội, DN, đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận các quy định, tiêu chuẩn ATTP. Đồng thời, Bộ Y tế cũng thường xuyên rà soát và bổ sung những cơ chế chính sách, thông tin hỗ trợ DN xuất khẩu.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2016-2017 là thời gian quan trọng triển khai các chương trình hành động về ATTP, đặc biệt là tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với DN và thị trường. Trong đó, tăng cường nâng cao thực thi pháp luật như Luật ATTP, Luật Thú y và sắp tới là đối với ngành hàng thủy hải sản. Đồng thời, kết nối tuyên truyền các địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản an toàn đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay các DN trong nước đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Nhiều hộ nông dân cũng nắm bắt cơ hội phát triển của sản phẩm hữu cơ, đã liên kết hình thành tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo phương thức tự nguyện áp dụng theo tiêu chuẩn của Hệ thống bảo đảm sự tham gia do Liên đoàn quốc tế Các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bộ NN&PTNT cũng đang lấy ý kiến các chuyên gia và DN trong nước nhằm xây dựng dự thảo Nghị định về nông nghiệp hữu cơ trước khi trình các bộ, ngành lấy ý kiến trình Chính phủ phê duyệt.

Lê Anh

454 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 454
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 454
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89015987