Muốn thắng thầu, DN phải chủ động hơn 

(Chinhphu.vn) – Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt còn rất nhiều cơ hội tiếp cận với các dự án do 2 ngân hàng này tài trợ. Tuy nhiên, muốn thắng thầu cần chủ động tìm kiếm thông tin, nắm được chiến lược phát triển, chiến lược đầu tư của các ngân hàng và thể hiện trong hồ sơ chào thầu.

 

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê


Ngày 15/3, tại Hà Nội, WB và ADB phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Để thắng thầu trong các dự án do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới tài trợ”.

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án tại Việt Nam của WB cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin để các DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận các dự án do WB và ADB tài trợ. Đồng thời, cập nhật những quy định về đấu thầu, cách chuẩn bị hồ sơ dự thầu hợp lệ, giúp các DN tăng khả năng thắng thầu.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ VCCI, kiêm Viện trưởng Viện phát triển DN bày tỏ vui mừng khi thấy sự quan tâm của cộng đồng DN với vấn đề này so với một hội thảo tương tự cách đây 10 năm. “Sự cải thiện này có sự đóng góp không nhỏ từ chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cho phép các DN tư nhân tiếp cận các nguồn vốn ODA cũng như tìm hiểu sâu hơn về các định chế tài chính, các quy trình mua sắm của WB và ADB”.

Nhiều cơ hội tiếp cận dự án ADB và WB

Theo ông Achim, mỗi năm WB cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho Việt Nam. Hiện toàn danh mục có khoảng 47 dự án; 6.436 triệu USD chưa giải ngân; 9.890 triệu USD cam kết ròng. Danh mục đầu tư của WB vào Việt Nam khá đa dạng và trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, các ngành có tỷ trọng đầu tư lớn nhất đều liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng như: Xây dựng, cấp thoái nước, hạ tầng giao thông. Dự kiến, trong giai đoạn 2018 – 2020, WB sẽ cho Việt Nam vay khoảng 4 tỷ USD.

Từ phía ADB, ông Steven Schipani, Trưởng Ban điều hành dự án Văn phòng địa diện thường trú ADB tại Việt Nam cho biết, trong năm 2018, ADB sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực giao thông, năng lượng, đô thị và cấp nước, với tỷ trọng vốn tập trung chủ yếu cho ngành giao thông nhưng số vốn tài trợ cho các ngành khác cũng không nhỏ.

Hiện tại, tổng vốn của toàn bộ các dự án của ADB tại Việt Nam (tính đến tháng 3/2018) là 59 với tổng vốn 7,5 tỷ USD.  “Trong đó có đến 3,5 tỷ USD chưa trao thầu, vì vậy các DN Việt còn rất nhiều cơ hội tham gia các dự án do ADB tài trợ”, ông Steven khẳng định.

Tại hội thảo, ông Adu-Gyamfi Abunyewa, Chuyên gia cao cấp về đấu thầu của WB đã giới thiệu những điểm mới trong Khung chính sách đấu thầu được sử dụng chung cho WB và ADB.

Đây là kết quả của nhiều hoạt động tham vấn DN, tổng hợp, điều chỉnh, cập nhật dựa trên các phản hồi để bảo đảm tính linh hoạt, thích ứng với bối cảnh và nhu cầu mới , rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Đáng chú ý, Khung chính sách mới là đưa vào áp dụng giai đoạn tạm hoãn (10 ngày làm việc), cho phép các nhà thầu không thắng thầu (hiện thời) nộp khiếu nại trong thời gian cụ thể trước khi trao hợp đồng. Đồng thời, bên vay cũng phải tham gia trả lời chất vấn trong giai đoạn tạm hoãn.

“Khung chính sách mới sẽ giảm thiểu được rủi ro với việc cung cấp thêm nhiều lựa chọn và công cụ đa dạng, tăng tính hiệu quả khi đưa ra các cơ chế đấu thầu phù hợp với mục đích và áp dụng được cho mọi loại hình đấu thầu”, ông Adu cho biết.

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án tại Việt Nam của WB. Ảnh: VGP/Thu Lê

Làm sao để thắng thầu?

Theo ông Lưu Hồng Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, một đơn vị đã tham gia rất nhiều dự án có nguồn vốn của WB và ADB, so với các DN nước ngoài, khi dự thầu, DN Việt có thuận lợi do chủ động được máy móc thiết bị và nhân lực.

Tuy nhiên, phổ biến trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực để tham gia các dự án quy mô lớn của 2 ngân hàng này. “Chúng ta vẫn còn hạn chế về cả năng lực tài chính, thi công cũng như quản trị”, ông Giang nói.

Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá của hồ sơ kỹ thuật trước đây chưa được rõ ràng, chi tiết như trong các hồ sơ mời thầu của Việt Nam, khiến nhiều DN khá mơ hồ và khó khăn trong việc soạn hồ sơ dự thầu.

“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với Khung chính sách đấu thầu mới, các vấn đề này được cơ bản khắc phục, các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhà thầu nước ngoài khi tham gia đấu thầu quốc tế”, ông Giang khẳng định.

Trả lời câu hỏi: “Làm sao để thắng thầu?”, ông Steven cho rằng, các DN phải hiểu rõ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và bảo đảm đáp ứng được yêu cầu đó. Với những hợp đồng lớn của WB và ADB, các DN có thể thành lập liên doanh hoặc sử dụng thầu phụ, cân nhắc thực hiện các dịch vụ tư vấn cá nhân để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng hồ sơ năng lực tốt.

Cần lưu ý yêu cầu chủ đầu tư giải thích lý do không thắng thầu khi có kết quả trao thầu. “Cần phải học hỏi từ những sai lầm và rút ra kinh nghiệm để thành công trong những lần sau”, ông Steven nói.

“DN Việt cần chủ động hơn”, ông Steven nhấn mạnh. Mỗi thông báo mời thầu DN chỉ có từ 40- 45 ngày để chuẩn bị hồ sơ, vì vậy, nên có sự tìm hiểu trước về chiến lược quốc gia, các khung dự án cụ thể cũng như kế hoạch hoạt động trong năm, cập nhật quá trình chuẩn bị dự án, đấu thầu, dự thầu, trên trang web của ADB, WB và báo chí trong nước.

Theo ông Alexander Fox, Chuyên gia đấu thầu của ADB để tăng khả năng trúng thầu, khi lập hồ sơ đấu thầu các DN nên nghiên cứu kỹ các yêu cầu về năng lực và tiêu chí đánh giá, từ đó trình bày năng lực kinh nghiệm của mình rõ ràng theo từng tiêu chí.

Nếu phát hiện quy định nào của hồ sơ mời thầu không rõ ràng hoặc không thể chấp nhận được thì phải làm rõ bằng văn bản chính thức với bên mời thầu trước ngày hết hạn. Tuyệt đối tránh bỏ sót các tài liệu hỗ trợ, nộp hồ sơ không hoàn chỉnh hay chào phương pháp giảm giá quá phức tạp…

Còn theo Bà Phạm Thị Thu Hằng, bên cạnh những vấn đề về mặt quản trị- một trong những điểm yếu cần được chú trọng cải thiện. Các DN Việt phải nắm được chiến lược phát triển, chiến lược đầu tư của các ngân hàng này, hiện nay đó là hướng tới tăng trưởng bao trùm, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu… và phải thể hiện được trong hồ sơ chào thầu.

Thu Lê

1086 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1258
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1258
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87143144