Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đình Nam)

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 và Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không thể có hạnh phúc nếu không phát triển. Muốn vậy đất nước phải độc lập, phát triển bền vững, không huỷ hoại môi trường. Con người phải được tự do, hạnh phúc, đồng thời là trung tâm của sự phát triển, tham gia vào hoạt động phát triển và thụ hưởng thành quả, không ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động, chiến lược, đề án, dự án liên quan đến thực hiện chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, như các chương trình xóa đói giảm nghèo, chế độ chính sách hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo...

Tuy nhiên, thực tế vẫn có nơi, có lúc chưa thực hiện tốt như mong muốn, bởi các địa phương đang chịu sức ép phát triển, tập trung nguồn lực vào các mục tiêu kinh tế trước mắt. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện các chương trình này...

Còn trong cộng đồng, cơ quan, gia đình, theo Phó Thủ tướng, hạnh phúc được thể hiện ở mỗi hành động đẹp, chia sẻ thông điệp yêu thương, lan toả những việc làm tốt vì mọi người, vì xã hội…

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng nêu lên 3 việc cụ thể. Trước hết mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần có hiểu biết về luật pháp để không vi phạm pháp luật.

Thứ hai là cần đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá. Không thể có gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá mà vẫn còn hiện tượng cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, trộm cắp, lừa đảo…

Việc thứ ba được Phó Thủ tướng đề cập là muốn có hạnh phúc lâu dài cần phải có niềm tin vào tương lai, vào con người và những điều tốt đẹp. Đó không chỉ là sự lạc quan của từng thành viên xã hội mà còn thể hiện ngay từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Đây là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Việc giáo dục phải chú trọng hơn nữa việc dạy làm người cho thế hệ con cháu, từ những việc nhỏ, đơn giản nhất, để trở thành những con người nhân văn, có trí tuệ được khai mở, sáng tạo, có lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu...

“Muốn có hạnh phúc cần sự nỗ lực mọi lúc, mọi nơi của mọi người, mọi thành viên xã hội, rộng hơn là đến các ngành và cả quốc gia, dân tộc, để lan toả những điều tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, qua 5 năm triển khai đề án (2013-2018), đông đảo nhân dân đã biết tới Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” đã lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã sáng tạo, thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, mang lại cảm xúc ấm áp, khơi gợi lòng yêu thương, nhắc nhở nhau về giá trị sống tốt đẹp.

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 11, Bộ VHTT&DL đã xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2019-2020; hướng dẫn các địa phương củng cố, phát triển mô hình “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng”. Hiện có 75% số xã, phường, trị trấn trên toàn quốc đã triển khai các mô hình này.

Đồng thời, Bộ đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thông qua triển khai đề án lồng ghép nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, phát huy hiệu quả giáo dục trẻ em ở ba môi trường gia đình, nhà trường, xã hội… Ý thức và hành động thiết thực trong xây dựng hạnh phúc gia đình, cộng đồng được nâng cao và cụ thể hóa.

Các cấp, ngành, tổ chức tích cực và chủ động hơn trong công tác phối hợp, tham mưu, lồng ghép thực hiện đề án hướng tới mục tiêu vì xã hội hạnh phúc, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực công sở, bạo lực giới và góp phần giảm tệ nạn xã hội. Các địa phương đã huy động được nguồn lực xã hội trong các hoạt động, chương trình từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ, miễn phí, giảm phí, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.../.

Mạnh Hùng