Muốn bền vững phải tạo dựng ‘nguồn vốn con người’ 

(Chinhphu.vn) – Nếu chỉ tập trung đổi mới công nghệ mà không quan tâm tích lũy vốn con người, trong 10 năm nữa Việt Nam sẽ có những công nghệ hiện đại nhất nhưng lại không đủ khả năng để hấp thụ, bài toán tăng năng suất lao động vì thế cũng sẽ không được giải đáp.
PGS.TS. Vũ Minh Khương. Ảnh: VGP/Thu Lê

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho biết, đạt được con số tăng trưởng kinh tế 6,81% là một thành công nhưng cần phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa trước những thách thức lớn, không chỉ để đi xa mà còn có khả năng ứng phó với những biến động kinh tế chưa thể lường trước.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Khương không nên quá bi quan với năng suất lao động thấp mà nên coi đây là động lực thúc đẩy để cố gắng đúng hướng, tạo nên những bước đi nhanh, kết quả ấn tượng.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), muốn đuổi kịp các nước thì mỗi năm Việt Nam sẽ phải tăng trưởng đến 8%, mà để đạt được tăng trưởng đó thì năng suất lao động phải tăng trên 7%. Đây là mục tiêu khá khó khăn khi mà việc quản lý nguồn lực vẫn còn hạn chế dẫn đến năng suất thấp.

Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc UNDP Việt Nam chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng trên toàn thế giới, lợi thế nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ sẽ không tồn tại mãi mà thay vào đó, yêu cầu lao động phải có năng suất, kỹ năng cao hơn để tiếp nhận, vận hành các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như đủ trình độ làm việc trong các lĩnh vực máy móc không thay thế được.

Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng 40% dân số Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực năng suất rất thấp; sự lan tỏa trong công nghệ, năng suất lao động từ các DN FDI sang DN tron nước còn hạn chế; chất lượng đào tạo nghề còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Vì vậy, để chuẩn bị tốt hơn cho yêu cầu thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có nhiều ưu tiên hơn cho lĩnh vực đào tạo nghề.

GS.TS. Nguyễn Đức Khương. Ảnh: VGP/Thu Lê

Phân tích sâu hơn về con số năng suất lao động, GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp cho biết, có nhiều cách để đo lường năng suất lao động nhưng đơn giản nhất là chia tổng sản lượng quốc gia cho tổng số giờ lao động.

Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào lao động và vốn mà còn liên quan đến yếu tố công nghệ. Vì vậy, để nâng cao năng suất, cần có có môi trường lao động tốt; cơ chế bảo trì, bảo dưỡng máy móc, cơ chế đổi mới về công nghệ theo thời gian. Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ, trong ngắn hạn, sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bài toán năng suất lao động thấp nhưng về lâu dài không có cách nào khác là phải tích lũy vốn con người, thông qua xây dựng một hệ thống giáo dục phổ thông và đào tạo nghề thật sự chất lượng, trang bị cho người lao động những kỹ năng ứng phó với những sự thay đổi thường xuyên của nền kinh tế, những thách thức mới của nền kinh tế đặc biệt là nền kinh tế số hóa.

“Nếu chỉ tập trung đổi mới công nghệ mà không quan tâm đến vốn con người thì trong 10 năm tới chúng ta có thể có những công nghệ hiện đại nhất nhưng con người lại không có đủ khả năng vận hành những công nghệ đó. Bài toán về tăng năng suất lao động vì thế cũng sẽ không được giải quyết trọn vẹn”, ông Khương bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Lê Văn Cường, Đại học Kinh tế Paris nhận định, năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng để phát triển bền vững, khi thời gian làm việc có thể được cố định bởi luật pháp để tăng năng suất, người lao động cần được đào tạo tốt và có mức thu nhập xứng đáng.

Thu Lê

714 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 890
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 890
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87187783