Việc giá lợn hơi tăng cao là tín hiệu đáng mừng song cũng tiềm ẩn nguy cơ tái diễn kịch bản “giải cứu lợn”
nếu người chăn nuôi lại ồ ạt tái đàn mà không tính đến thị trường tiêu thụ. 

Giá lợn hơi tăng, tồn kho không còn nhiều

 

Theo ghi nhận của phóng viên, trong khoảng hơn chục ngày trở lại đây, giá lợn hơi từ mức thấp kỷ lục đã tăng hơn 1 triệu đồng/tạ với mức giá trung bình tại một số tỉnh miền Bắc hiện đang là 4,1 - 4,4 triệu đồng/tạ. Diễn biến mới này của thị trường đã khiến nhiều người bất ngờ. Với những người mới bán lợn thì tiếc vì xuất bán ở mức giá thấp. Ngược lại, người còn lợn thịt thì vừa mừng vì giá lợn hơi tăng cao nhưng cũng lo bởi không biết mức giá này sẽ được duy trì trong bao lâu? Chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chia sẻ: “Trước gia đình tôi nuôi gần 100 con lợn thịt. Giá lợn hơi xuống thấp quá nên tôi đã bán 40 con để có tiền “cầm cự”. Tuần trước, giá lợn hơi tăng lên 3,8 triệu đồng/tạ, tôi đã bán luôn 20 con. Không ngờ giờ giá đã lên tới 4,4 triệu đồng/tạ. Tôi đang tập trung vỗ béo để bán nốt số lợn còn lại cũng coi như là bù lại phần nào số lỗ khi giá lợn giảm mạnh trước đây”.

Chị Nguyễn Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết, những ngày gần đây, nhiều thương lái đang thu mua lợn hơi tại địa phương với giá từ 4,0 - 4,5 triệu đồng/tạ, tăng khoảng 1,5 triệu đồng so với tháng trước. Nếu tiếp tục duy trì mức giá này thì người chăn nuôi chắc chắn sẽ có lãi khi xuất bán lợn thịt.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc giá lợn hơi giảm xuống thấp nhất trong hơn chục năm qua nên hiện nay số lượng lợn thịt tại các hộ nuôi nhỏ lẻ cơ bản không còn nhiều. Theo khảo sát thực tế, tại một số địa phương trước đây có tổng đàn lợn khá lớn như Hưng Hà (Thái Bình), Lý Nhân (Hà Nam), Phú Xuyên, Đan Phượng (Hà Nội)… thì hiện nay, rất ít hộ chăn nuôi lợn duy trì được quy mô trên 100 con.

Bên cạnh đó, giá lợn hơi tăng trong những ngày gần đây cũng đã khiến giá lợn giống tăng một cách “chóng mặt”. Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), lợn giống đang được xuất bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Nếu như khoảng 2 tháng trước đây, lợn con từ 10 - 13kg có giá khoảng 150.000 - 200.000 đồng/con thì hiện nay đã tăng lên khoảng 500.000 - 750.000 đồng/con. Thậm chí, có thời điểm giá lợn con, từ 28- 30 ngày tuổi, trung bình từ 7 - 8kg còn được bán với giá trên 1 triệu đồng/con, tăng gấp 3 - 4 so trước đây. Tuy nhiên, nguồn cung lợn giống hiện cũng khá khan hiếm do nhiều người chăn nuôi trước đó đã phá đàn, bán rẻ lợn mẹ và lợn con để tránh lỗ. Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, một người chăn nuôi lợn ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), việc giá lợn tăng trở lại thì nhiều người đã dự đoán trước nhưng bất ngờ là giá lợn hơi tăng nhanh và liên tục. “2 tháng trước tôi đã phá đàn, bán hơn 20 con lợn mẹ. Cũng may vẫn còn khoảng 30 lợn nái hậu bị (chưa đẻ lứa nào), nếu giá lợn tiếp tục ổn định ở mức cao thì khoảng 1 tháng nữa tôi sẽ phối giống để tái đàn”, anh Mạnh chia sẻ thêm.

Không vội tái đàn, tăng quy mô

Đó là khuyến cáo chung của nhiều chuyên gia trước việc giá lợn hơi tăng trở lại. Thực tế cho thấy, việc giá lợn hơi tăng cao trong những ngày gần đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành chăn nuôi đặc biệt với bà con nông dân. Về nguyên nhân giá lợn hơi tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng do thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc. Một số hộ nuôi lợn nghe thông tin này nên giữ lợn không bán để chờ giá, càng khiến giá lợn thịt bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, sau hơn 2 tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và người dân thì số lượng lợn tồn đã giảm rõ rệt. Lượng cung giảm trong khi nhu cầu ngày càng tăng, cộng thêm sức hút từ thị trường xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã giúp giá lợn hơi tăng liên tục trong nhiều ngày qua.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường thịt lợn thời gian qua cho thấy, giá thịt lợn trong nước phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất hàng sang thị trường Trung Quốc. Trong khi hoạt động này chủ yếu lại được thương lái thực hiện theo đường tiểu ngạch, vì thế, ngành chăn nuôi mà trực tiếp là người nuôi lợn luôn đứng ở thế bị động và độ rủi ro cao. Do đó, việc giá lợn hơi tăng cao là một tín hiệu đáng mừng song cũng tiềm ẩn nguy cơ tái diễn kịch bản “giải cứu lợn” nếu người chăn nuôi lại ồ ạt tái đàn mà không tính đến thị trường tiêu thụ.

 

Người chăn nuôi lợn cần thận trọng khi quyết định tái đàn. 

Khảo sát thực tế có thể thấy, sau khi giá lợn hơi tăng trở lại, nhiều hộ cũng có ý định tái đàn nhưng vẫn còn trong tâm trạng lo lắng nên người chăn nuôi cũng tái đàn một cách “cầm chừng” mà chưa dám tăng đàn vội vã. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hưng Hà (Thái Bình) chia sẻ: “Tuy giá có nhích lên, nhưng theo tôi, người chăn nuôi chưa nên vội vàng tái đàn ngay. Trước mắt phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm chi phí chăn nuôi như lựa chọn giống tốt, thức ăn sạch bền vững, tiết kiệm điện, nước... để có được loại heo chất lượng, bền vững hơn thay vì tái đàn nuôi ồ ạt dễ dẫn tới khủng hoảng giá như thời gian vừa qua”.

 

Còn theo TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Ban, để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, tranh việc phải tiến hành các “chiến dịch giải cứu nông sản”, vấn đề quan trọng nhất đang đặt ra hiện nay đó là cần gắn sản xuất với thị trường, người nông dân cần tránh tâm lý phát triển sản xuất theo phong trào. “Riêng đối với việc chăn nuôi lợn hiện nay, trước khi quyết định tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô, người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, khuyến cáo của ngành nông nghiệp, đặc biệt phải đăng ký với chính quyền địa phương để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra rủi ro”, TS Nguyễn Văn Ban nhấn mạnh.

Thực tế đã có không ít bài học do phát triển sản xuất ồ ạt, không tính đến nhu cầu của thị trường nên người nông dân phải chịu thiệt thòi, thua lỗ. Nếu để tình trạng tái đàn trong chăn nuôi lợn diễn ra ồ ạt thì rất có thể đây sẽ trở thành nguyên nhân tái diễn “điệp khúc” lợn rớt giá do không kiểm soát được hoạt động chăn nuôi. Do vậy, người chăn nuôi đang rất cần những định hướng sản xuất; thông tin dự báo thị trường kịp thời, chính xác. Đồng thời, cần có sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng, các địa phương trong việc tuyên truyền và triển khai thực hiện các giải pháp chăn nuôi bền vững./.

TL