Xét theo ngành kinh tế, động lực chính để đảm bảo cho tăng trưởng là các ngành xây dựng tăng 9,3%; công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 8,61%; y tế tăng 8,61%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 15,88%; bán buôn, bán lẻ tăng 6,96%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,14%. Ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,69% nhưng là ngành chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, liên tục có mức tăng trưởng cao, ổn định qua nhiều năm liên tiếp và cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước nên có thể khẳng định đây là “điểm sáng” nổi bật nhất trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tỉnh cũng đạt được một số kết quả quan trọng về tình hình thu ngân sách, xuất nhập khẩu và lĩnh vực đầu tư về giao thông cũng có mức tăng cao so cùng kỳ của nhiều năm trước…
Theo dự báo, trong điều kiện thuận lợi nhất khi tình hình COVID – 19 cả nước được kiểm soát tốt và từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh không phải trải qua những đợt giãn cách xã hội quy mô lớn làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất; vụ hè thu được mùa toàn diện, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của COVID – 19, đặc biệt đảm bảo đủ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, yếu tố quyết định cho tăng trưởng GRDP theo kế hoạch khoảng 22.000 tỉ đồng… thì tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở duy trì đà thắng lợi của 6 tháng đầu năm 2021 sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra (6,5%-7%). Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2021 ước khoảng 6,9% (*). Trong đó: Ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4,7%; Ngành công nghiệp – xây dựng tăng 12,75%; dịch vụ tăng 4,77% (Nguồn: Tổng cục Thống kê công bố ngày 1/8/2021, phục vụ xây dựng kế hoạch KT-XH năm 2022)
Có thể nhận thấy, nếu duy trì và đạt được mức dự báo trên là thành công rất lớn vì hiện nay, mặc dù Tổng cục Thống kê chưa công bố số liệu ước tính GDP năm 2021 của Việt Nam nhưng một số chuyên gia, các tổ chức dự báo có uy tín trong nước đã giảm mức dự báo tăng trưởng GDP của cả nước trong năm nay. Trong đó, phải kể đến là Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế, đã đưa ra kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất: COVID-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1%. Tức là so với mục tiêu đặt ra giảm 1,0% -1,5% (mục tiêu: 6%-6,5%). Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân, các hoạt động kinh tế sẽ chưa thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước và động lực cho tăng trưởng chính của nước ta sẽ vẫn đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Từ những nhận định trên, đối với Quảng Trị dễ nhận thấy “cán cân” giữa xuất, nhập khẩu ( về bản chất không ảnh hưởng nhiều đến kết quả) thì đang nghiêng hẳn về phía nhập siêu. Điều đó có nghĩa là hoạt động xuất, nhập khẩu với cơ cấu chủ yếu nhập thiết bị, tư liệu sản xuất nên ý nghĩa để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong tương lai còn riêng năm 2021 chưa đóng góp lớn cho tăng trưởng mặc dù có góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng thuế nhập khẩu trong cơ cấu GRDP của tỉnh nên không thể đóng vai trò động lực tăng trưởng về GRDP của tỉnh, thậm chí vì “nhập siêu” nên kéo lùi kết quả tăng trưởng GRDP của năm 2021.
Quay trở về hình ảnh ví von quen thuộc mà Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc hay đề cập, liên quan đến thúc đẩy “cỗ xe tam mã” thì dễ nhận biết nếu cả nước động lực đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) dựa trên hai “mã” đó là xuất khẩu và đầu tư công thì Quảng Trị về cơ bản chỉ dựa vào một “mã” huy động, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công sao cho hiệu quả nếu xét trên bình diện chung…
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hành động quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đạt cao nhất các mục tiêu phát triển Kinh tế - xã hội và phòng, chống COVID – 19 nhưng để “mã” đầu tư công thực sự phát huy vai trò không chỉ là động lực đảm bảo cho tỉnh Quảng Trị tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 mà còn phát triển nhanh, bền vững trong cả giai đoạn 2021-2025 thì không ít khó khăn đang đặt ra:
Một là, hiện nay, khá nhiều dự án lớn tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị triển khai tổ chức thi công không đúng cam kết, chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, chủ đầu tư chưa chứng minh được năng lực tài chính, khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng.... Trong đó, có cả dự án đặc biệt quan trọng là Cảng nước sâu Mỹ Thủy.
Hai là, qua nhiều năm, đầu tư công có tiến độ giải ngân thường rất chậm, nhất là thời gian 6 tháng đầu năm 2021 nên ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng hiệu quả đồng vốn. Mặt khác, vốn đầu tư công về số tuyệt đối được cân đối hàng năm không nhiều nhưng vẫn còn tình trạng sử dụng chưa tận dụng hết nguồn lực này, sử dụng không hết, đem trả lại TW...
Ba là, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì cả nước cứ 1 đồng đầu tư công sẽ lan tỏa, kéo theo khoảng 1,61 đồng đầu tư ngoài nhà nước, nếu căn cứ mô hình dự báo này thì tỉnh Quảng Trị hiện ở mức rất cao là 1 đồng đầu tư công phải kéo theo khoảng 3,2 đồng đầu tư ngoài Nhà nước. Kết quả này cũng có thể được xem là thành tích, bù đắp cho sự thiếu hụt từ nguồn đầu tư công song đó cũng là áp lực, tiềm ẩn rủi ro không nhỏ. Trong khi giai đoạn 2021 - 2025 thì áp lực này ngày càng lớn hơn (do vốn huy động cao đột biến nhưng kế hoach đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tình hình chung sẽ khó có thể tăng thêm).
Bốn là, mật độ doanh nghiệp tính trên 1.000 dân khá cao, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đại đa số các doanh nghiệp Quảng Trị là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và năng lực cạnh tranh còn yếu: Theo sách trắng về Doanh nghiệp thì về số lượng các doanh nghiệp (xếp thứ 44), doanh thu (xếp thứ 51), lao động (xếp thứ 54), thu nhập bình quân (xếp thứ 52)…Tốc độ tăng trưởng những năm gần đây có xu hướng chậm lại, trong khi chỉ số PCI cũng thuộc nhóm các tỉnh còn thấp (xếp thứ 41)…
Năm là, bên cạnh vấn đề môi trường thì nguồn vốn cần huy động cho các dự án năng lượng như điện mặt trời, điện gió rất lớn nhưng các chủ đầu tư chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn vay là chính nên sẽ áp lực lên hệ thống ngân hàng về dư nợ tín dụng lớn, rũi ro nợ xấu, hài hòa lợi ích các bên…Doanh nghiệp của tỉnh vì nhiều lý do rất khó “cạnh tranh” tham gia vào những dự án này…điều đó có nghĩa là, xét về lâu dài doanh nghiệp tỉnh nhà với vai trò vô cùng quan trọng đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Trị nhưng sẽ ít có cơ hội tận dụng được cơ chế, chính sách, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn...
Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và việc rà soát các quy định, cam kết, cơ chế, chính sách thực sự tạo điều kiện, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn để nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp tỉnh thì hiệu quả công tác huy động, xúc tiến đầu tư phải được đặt ra, tổ chức thực thi hết sức nghiêm túc tránh tình trạng phô trương, hình thức...Quan trọng hơn, một trong những điểm “nghẽn” lớn nhất đã được xác định, đề cập nhiều đó là giải ngân vốn đầu tư công thường rất chậm, một số dự án không đúng tiến độ, hiệu quả chưa cao…
Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…tuy nhiên vấn đề dễ nhận ra là vẫn còn một số địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư tổ chức, thực hiện chưa nghiêm, thậm chí mang tính đối phó trong khi một số cơ quan, đơn vị chức năng còn có những hạn chế trong công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, năng lực quản lý dự án, chưa làm tốt việc phối hợp, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cơ sở, áp dụng các chế tài xử phạt đặc biệt là có một số lý do mà chưa “mạnh dạn” áp dụng các biện pháp mạnh như cưỡng chế những đối tượng cố tình cản trở, chây ỳ, trục lợi, coi thường pháp luật cũng như sự chỉ đạo chính quyền, gây bức xúc trong nhân dân...
Có thể, đó là những vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, bất đắc dĩ sau khi đã tìm hết phương cách. Tuy nhiên, nếu so sánh, nhìn rộng trên phạm vi cả nước rất nhiều tỉnh, thành phố, đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... các “điểm nghẽn” liên quan đến đền bù, GPMB thực tế phức tạp hơn nhiều lần đã thực hiện tốt (điển hình như vụ gần đây Hải Phòng đã cưỡng chế hơn 150 cơ sở nhà đất trái phép) thì không có lý do gì, để câu chuyện giải ngân chậm, thiếu hiệu quả, ách tắc do đền bù, giải phóng mặt bằng và một số lý do “khách quan” khác…luôn là vấn đề cứ lặp đi, lặp lại như một điệp khúc. Xét trong điều kiện, tình hình mới, điều đó cũng là việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Và chỉ khi “gỡ xong điểm nghẽn” đó, thì mới đảm bảo là điều kiện CẦN để vốn đầu tư công có thể đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo các đồng vốn ngoài Nhà nước, FDI đầu tư hiệu quả và thực sự đóng vai trò là động lực, là “mã” quan trọng nhất đảm bảo cho “cỗ xe tam mã” tăng tốc vì suy cho cùng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) vốn đầu tư luôn đóng vai trò, có ý nghĩa mang tính quyết định.
Trần Ánh Dương – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh
(*) Để đảm bảo quy định Cục Thống kê trung thành với số liệu Tổng Cục thống kê công bố trên cơ sở số liệu chốt trước 20/7 do các địa phương, ngành cung cấp. Đến thời điểm hiện nay (10/8), do sụt giảm sản lượng vụ Hè Thu nên Nông, Lâm, Thủy sản khó đạt ở mức 3,0 %; Tức là, dự báo GRDP sẽ khó đạt 6,5%...