Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh năm 2018, trong năm 2017, công tác đào tạo nghề cho lao động được chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh, đào tạo khoảng 9.600 lao động (đạt 101% kế hoạch). Ước đến cuối năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5% (đạt 102,6% kế hoạch), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%(101,4% kế hoạch), lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 29%. Nhiều giải pháp giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện. Gần 20 phiên giao dịch việc làm được tổ chức, tạo việc làm cho khoảng 10.500 lao động (đạt 105,2% kế hoạch). Trong đó có trên 1.150 lao động xuất khẩu ở nước ngoài (không kể thị trường Lào). Tất cả đều vượt chỉ tiêu trong năm qua. Những con số này cho thấy một tín hiệu đáng mừng từ việc làm trong tỉnh, qua đó thể hiện tính đúng đắn trong chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Đặc biệt cho thấy được tiềm năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trở về làm việc cho tỉnh nhà sau khi được đào tạo thay vì ở lại phục vụ cho các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội hay TP.HCM.
Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, UBND 16 xã, thị trấn vùng biển, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động tổ chức hội nghị đối thoại 3 bên nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết việc làm cho người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển. Điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu tìm kiếm việc làm và xuất khẩu lao động của người dân thuộc 16 xã, thị trấn vùng biển, tổ chức thực hiện một Sàn giao dịch việc làm tại cụm thị trấn Cửa Việt và 10 hội nghị tư vấn việc làm tại 10/16 xã vùng biển. Tổ chức tọa đàm lao động ở một số địa phương vùng biển thuộc huyện Hải Lăng và Triệu Phong trước khi lao động về quê đón Tết Nguyên Đán, qua đó tuyên truyền, phổ biến các chính sách việc làm và xuất khẩu lao động, đồng thời khuyến khích, động viên người lao động tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm. Phối hợp với các hội đoàn thể (Hội LHPN tỉnh, hội Nông dân tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chính sách về việc làm và XKLĐ tại các xã, thị trấn. Mời gọi các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tích cực triển khai các hoạt động tư vấn tuyển chọn lao động. Ưu tiên tuyển dụng người lao động vùng biển đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020; Đề án 1080/DA-UBND của UBND tỉnh về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình đào tạo nghề cho người lao động. Duy trì thực hiện công tác cho vay giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động và tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm; tư vấn nghề, việc làm cho người lao động...
Mục tiêu trong năm 2018 là tạo được việc làm mới cho 10.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.000 người. Các chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên tích cực, chủ động hơn nữa để được đào tạo, nâng cao tay nghề, kiến thức. Từ đó, chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm cho mình, bởi nếu có được một việc làm tốt, thu nhập ổn định thì người được hưởng lợi đầu tiên không ai khác chính là những người lao động.
HOÀNG THẢO NHI