(Ảnh:M.P)


Ngày 4/7 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề  “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019”.

Theo nhận định của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá cả thị trường nửa đầu năm 2019 biến động theo xu hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp.

Số liệu của Cục quản lý giá cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019 CPI đã duy trì tốc độ tăng theo đúng theo kịch bản được Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo từ đầu năm. So với tháng trước liền kề, CPI tháng 1/2018 tăng 0,1%, CPI tháng 2/2019 tăng 0,8%, CPI tháng 3/2019 giảm 0,21%, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31%, CPI tháng 5 tăng 0,49%, CPI tháng 6 giảm 0,09%. CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định quanh mức 2,6 – 2,74%. Trong đó, CPI tháng 1 so với cùng kỳ tăng 2,65%, bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,6%, 3 tháng đầu năm tăng 2,63%, 4 tháng đầu năm tăng 2,71%, 5 tháng đầu năm tăng 2,74% và bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo Cục Quản lý giá, nguyên nhân chủ yếu góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo do giá lương thực giảm, giá dịch vụ y tế giảm, giá xăng dầu trong nước giảm... 

Ở chiều ngược lại, theo Cục Quản lý giá, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG ) tăng theo giá thế giới, trong đó giá xăng dầu trong nước tăng 4 đợt từ tháng 2 đến tháng 5, tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa ); giá một số nhóm hàng tiêu dùng (thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch. . . ) phục vụ Tết tăng theo quy luật; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.

Tại hội thảo các chuyên gia cũng đã đưa ra những dự báo, kịch bản cho diễn biễn giá trong những tháng cuối năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, dự kiến 6 tháng cuối năm những nhân tố làm tăng CPI là giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho tổng đàn nuôi  của cả nước suy giảm nghiêm trọng và các hộ chăn nuôi chưa thực hiện tái đàn ngay; nhiều khả năng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng giá học phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế… theo lộ trình xã hội hóa giá dịch vụ y tế giáo dục

PGS.TS Nguyễn Bá Minh cũng cho rằng có một số nhân tố sẽ góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như tình hình kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều bất ổn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cẩu có khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc; tình hình xuất khẩu nông sản  của Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sẽ khiến cho người nông dân khó tiêu thụ được sản phẩm do mình làm ra và hiệu quả là giá nông sản tiếp tục giảm, sức mua của người nông dân suy yếu.  PGS.TS Nguyễn Bá Minh dự báo CPI bình quân cả năm 2019 so với 2018 sẽ tăng ở mức 3,0% - 3,5%.

Đồng tình với nhận định đó, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, mục tiêu của Chính phủ  kiểm soát CPI ở mức dưới 4 % là khả thi, có thể thực hiện được nhưng cũng không thể chủ quan. Theo ông Ngô Trí Long để thực hiện được mục tiêu đó, Chính phủ cần kiên trì triển khai những nhóm giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động để kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam... Đặc biệt là cần thúc đẩy ngay tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, không để dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019.

Minh Phương