Mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành Dự án đường Trường Sơn Đông 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, Ban quản lý Dự án đường Trường Sơn Đông và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đặt mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành Dự án; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các nguyên tắc: Chất lượng, tiến độ, không xảy ra tiêu cực và không xảy ra tai nạn lao động.
Trong 4 ngày từ 21- 24/8, Phó Chủ tịch Quốc hội  Đỗ Bá Tỵ và đoàn công tác đã đi giám sát việc triển khai thi công tuyến đường Trường Sơn Đông tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại cuộc họp triển khai
dự án đường Trường Sơn Đông tại thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN)

Trong đó, Tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua tỉnh Kon Tum dài 52 km được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần kết nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh khu vực miền Trung. Đặc biệt, tuyến đường đi qua có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị; tạo động lực cho cộng đồng người dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 

Sau khi kiểm tra, giám sát thực tế triển khai dự án, ngày 24/8, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Đà Lạt để đánh giá kết quả triển khai dự án và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, khẩn trương hoàn thành dự án này vào năm 2020. 

Dự án đầu tư xây dựng đường Trường Sơn Đông được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt năm 2006  và phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2011 với tổng mức đầu tư  trên 10.015 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 657 km, trong đó tận dụng 42 km đường cũ, có 2 hầm và 2 đường đôi lưỡng dụng , 125 cầu các loại... Quy mô chủ yếu là đường cấp IV miền núi. Tuyến đường này chạy qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ Quảng Nam, tới Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng. Ngoài giá trị về an ninh quốc phòng, tuyến đường này còn có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, phòng chống thiên tai cho các vùng sâu, vùng xa có tuyến đường này đi qua. 

Cho đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng) phối hợp với các đơn vị thi công đã triển khai được 540/615 km, đạt 86% khối lượng công trình, 100 cầu các loại, 2 đường đôi và 1 hầm. Các đoạn hoàn thành đã nối thông liên tục 5 tỉnh giữa tuyến là Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên và phía Bắc tỉnh Đắk Lắk; đồng thời nối thông 6 Quốc lộ ngang là 24B, 24,19,25,29 và 26…Khối lượng còn lại của dự án chưa triển khai chủ yếu là đoạn đầu ở tỉnh Quảng Nam và đoạn cuối tuyến nối tỉnh Đắk Lắk với Lâm Đồng dài 85 km và 1 hầm. Hiện tại nguồn vốn đã bố trí hết năm 2018 là 7.607 tỷ đồng. Nhu cầu vốn còn lại so với kế hoạch là 2.407 tỷ đồng… 

Qua kiểm tra, giám sát thực tế, tại cuộc họp vào ngày 24/8 ở thành phố Đà Lạt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận kết quả thực hiện dự án và những cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý dự án, của các đơn vị thi công, các địa phương tham gia phối hợp để dự án này hoàn thành. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những tồn tại mà Ban quản lý dự án và các đơn vị tham gia thực hiện mắc phải, cụ thể là theo kế hoạch, công trình phải hoàn thành trong năm 2015, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 86% khối lượng công trình. Hơn 10 năm thi công, nhưng đến nay vẫn chưa thông ở 2 đầu tuyến đường; nhiều đoạn mới hoàn thành thì những đoạn cũ đã xuống cấp, phải duy tu sửa chữa… 

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban quản lý dự án và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đặt mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành dự án, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các nguyên tắc: Chất lượng, tiến độ, không xảy ra tiêu cực và không xảy ra tai nạn lao động. Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ưu tiên tối đa nguồn lực cho dự án quan trọng này, không bố trí vốn kiểu manh mún, trả nợ. Bộ Giao thông vận tải ngoài tuyến đường này ra, cần quan tâm đầu tư tuyến Quốc lộ 27 nối Lâm Đồng với Đắk Lắk. Với công trình Tượng đài liệt sĩ Trường Sơn nằm trên tuyến đường này, Ban Bí thư đã có ý kiến, đề nghị Bộ Quốc phòng đưa hạng mục này vào dự án, nhưng đảm bảo không tăng quy mô, tổng đầu tư toàn bộ công trình. Các địa phương có tuyến đường đi qua cần quy hoạch đấu nối với các tuyến đường của địa phương để tận dụng tối đa hiệu quả công trình, quy hoạch dân cư nằm dọc tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông; sớm giao các tuyến đường đã hoàn thành cho đơn vị chủ quản để tổ chức quản lý sử dụng, duy tu bảo dưỡng… 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đã giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương có tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua tham gia thực hiện việc giám sát triển khai thực hiện dự án, để công trình này đảm bảo tiến độ thi công, đạt chất lượng và hiệu quả./. 

Theo TTXVN

447 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1259
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1259
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165600