Đây là ý kiến ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nhận xét về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 của các địa phương.
Chủ tịch VCCI đánh giá sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng. Công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Tính minh bạch được cải thiện. Cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố. Chi phí không chính thức tiếp tục giảm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh... "Bức tranh" toàn cảnh của môi trường kinh doanh sáng hơn.
Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80 % doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp, chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.
“Đó là những con số của niềm tin”- ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Ở chiều ngược lại, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Có 59% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch. Có 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư...
Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh phải trả các chi phí không chính thức. Một điều nữa cũng được cộng đồng doanh nghiệp quan ngại là trong khi các tỉnh, thành phố đứng ở cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực để vượt lên thì những địa phương ở top dẫn đầu lại chưa có được những cải cách bứt phá nào đáng kể trong mấy năm qua, hành trình cải cách mới chỉ dừng lại ở những việc làm còn tương đối dễ dàng.
Ông Vũ Tiến Lộc phân tích: Điều này cho thấy, một mặt, rất cần có thêm những động lực mới cho cải cách từ cơ sở. Mặt khác, cần nâng trần thể chế ở cấp Trung ương. Hy vọng rằng các quyết sách mới đây của Quốc hội, của Chính phủ về việc khẩn trương rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật và chủ trương của Đảng ban hành cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đang được triển khai sẽ giúp trang bị “tấm áo giáp sắt” an toàn và những động lực mới cho sự phát triển năng động của chính quyền cấp tỉnh, nhất là các tỉnh thành phố giữ vai trò dẫn dắt, mở đường...
PCI 2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện thì tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo.
"Nhưng chúng ta tin rằng chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 chắc chắn sẽ vẫn khả quan. Khi chúng ta khơi dậy được tinh thần yêu nước và sự đồng lòng để toàn dân ra trận, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta luôn có thể làm được những điều tưởng như không thể”, Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hiếm hoi đã sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể tiên phong mở cửa thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế... Tuy nhiên, thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm hơn. Chính quyền kiến tạo song hành với doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm sẽ là những mái chèo đưa "con thuyền" kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn.
Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: Sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân.
15 năm qua, có nhiều câu chuyện cải cách đang được chia sẻ giữa các địa phương như: “Cà phê Doanh nhân”, “sự chụm đầu” thân thiện và hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp được thai nghén từ Đồng Tháp giờ đã là nếp sinh hoạt đẹp không thể thiếu tại 40 tỉnh, thành phố ở nước ta.
DCCI - một phiên bản PCI ở cấp sở, ban ngành, quận huyện, được Quảng Ninh tiên phong thực hiện mạnh mẽ, hiện cũng đã được nhân rộng ra trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các mô hình khác như: Hiệp hội doanh nghiệp nhất thể hoá ở cấp tỉnh; Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp; Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA); Bác sỹ doanh nghiệp, các thực tiễn tốt trong đối tác công tư (PPP)... cũng được lan tỏa giữa các địa phương theo hành trình PCI suốt hơn một thập kỷ qua. PCI là cánh chim mang tinh thần cải cách tới mọi miền.
Kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam. Các chủ trương chính sách của chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cần nâng cấp chuẩn hoá trình độ chính đội ngũ doanh nhân, phù hợp với hội nhập quốc tế.
Anh Minh