MÙA XUÂN: NHỚ BÀI THƠ CHÚC TẾT ĐẦU TIÊN CỦA BÁC HỒ 

Chủ tịch Hồ Chí Minh –vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Bác đã để lại cho toàn dân tộc ta một kho tàng đồ sộ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại được viết bằng nhiều phong cách khác nhau. Trong đó có những bài thơ chúc tết đặc sắc.

Một mùa xuân nữa sang, Tết đến, chúng ta lại nhớ về Bác nhiều hơn, nhớ về những vần thơ chúc Tết nhân dân đằm thắm nghĩa tình. Thơ chúc tết của Bác Hồ không chỉ mang những xúc động bồi hồi mỗi khi Tết đến, xuân về mà bao giờ cũng gắn với niềm vui thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, của đất nước ta và trên toàn thế giới. Vì thế, đã thành lệ quen thuộc, vào thời khắc giao thừa, năm cũ chuyển sang năm mới, đồng bào cả nước ta lại háo hức đón chờ Thơ chúc tết, mừng xuân của Bác Hồ. Và, cả khi Người không còn nữa, tết đến mọi nhà vẫn ước mong được nghe Bác đọc thơ xuân. Đó là những bài thơ chúc tết giản dị nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương của Người.

Bài thơ chúc Tết Bác Hồ đọc vào đúng thời khắc chuyển giao năm Bính Tuất (1946) sang năm Đinh Hợi (1947). Đồng chí Vũ Kỳ là người có một phần tư thế kỷ giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên ông có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Người. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất, được đồng chí Vũ Kỳ chia sẻ nhiều lần khi còn sống và được ghi lại trong cuốn "Thư ký Bác Hồ kể chuyện" là câu chuyện đêm Giao thừa Xuân Đinh Hợi 1947 - mùa xuân đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, vào đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta mới bắt đầu chưa đầy hai tháng. Ngày Tết cổ truyền dân tộc năm ấy, Bác Hồ vẫn miệt mài làm việc như mọi ngày và vẫn ăn ngày hai bữa cơm độn sắn, như bữa ăn bình thường của một gia đình nông dân nghèo Việt Nam. Thời tiết những ngày cuối năm Bính Tuất 1946 se se lạnh, mưa phùn không ngớt. Buổi sáng Ba mươi Tết, Bác Hồ vẫn tranh thủ đọc tài liệu; buổi chiều, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ.    

Xuân Đinh Hợi 1947 là  năm đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Đài Tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội chuyển về chùa Trầm, thuộc Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Vào 22 giờ ngày 21-1-1947 (tức 30 tháng Chạp năm Bính Tuất), Bác Hồ từ nơi tổ chức họp Hội đồng Chính phủ ở Phủ Quốc Oai, lên xe đi thẳng đến trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam để kịp chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Tại hang Trầm (thuộc chùa Trầm, Chương Mỹ) ngày nay còn lưu giữ nhiều kỷ vật về Bác Hồ trong thời gian Người sống và làm việc những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Được biết, đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm nhiệm vụ (từ ngày 20-12-1946 đến 4-3-1947). Đồng chí Vũ Kỳ đã nhiều lần kể, hôm ấy trời mưa nặng hạt, đường trơn lầy lội, nhiều đoạn, xe của Bác bị ngập bùn quá nửa bánh không đi được. Mặc dù vậy, Bác vẫn quyết tâm đi cho kịp trước Giao thừa và gần 24 giờ xe mới tới nơi. Bác xuống xe, vui vẻ hỏi thăm mọi người rồi đi ngay vào phòng máy của đài, đúng thời khắc Giao thừa. Bài thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài được Bác đọc trực tiếp vào máy thu thanh. Giọng Bác trịnh trọng, âm vang, cảm động sâu lắng.

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Kể từ đó trở thành thông lệ, cứ vào đêm Giao thừa, mọi người dân Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước đều hồi hộp chờ mong được nghe Bác đọc thơ chúc Tết. Cho đến lúc đi xa, Bác Hồ đã để lại cho đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài 22 bài thơ chúc Tết. Thơ xuân của Bác không chỉ có tính nghệ thuật văn học cao, giàu cảm xúc, đậm chất nhân văn, mà đó còn là những lời đánh giá, biểu dương thành tích của năm cũ và chỉ ra nhiệm vụ chiến lược trong năm mới, là những dự báo mang tính lịch sử, những định hướng, chỉ đạo chiến lược cho cách mạng nước nhà. Có thể nói, những bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành tài sản tinh thần văn hóa vô giá của dân tộc và sống mãi với non sông đất nước. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng mỗi năm Tết đến, Xuân về, nhớ Bác, nhớ những vần thơ chúc Tết đậm chất nhân văn của Người, cả dân tộc ta lại rộn ràng niềm vui, phấn khởi, tự hào.

Kể từ bài thơ chúc tết đầu tiên của Người đến nay dù trên sóng radio, đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Nhưng khi xuân sang, quyện trong chồi xuân, sắc thắm hoa xuân, hòa cùng nhịp đập trái tim hân hoan của hàng triệu trái tim của người Việt Nam, những bài thơ chúc Tết của Bác như còn mãi ngân vang. Đó là những bài thơ chúc Tết giản dị nhưng đầy khí phách và rất đỗi thân thương của Người. Từng từ, từng ý thơ của Người như ngọn lửa thiêng, soi sáng đường cách mạng cho dân tộc vững bước trên con đường ấm no, hạnh phúc. Thơ chúc Tết của Bác đã trở thành món quà quý đầu xuân cho mỗi người dân Việt Nam.

Một mùa xuân mới lại về, toàn thể  dân tộc Việt Nam, học Bác, ai cũng tâm nguyện, thầm hứa sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu như Người đã mong ước đó là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  Phạm Xuân Ngọc

1364 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1299
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1299
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87114271