Mùa xuân ấy chúng ta có Đảng 

Mùa Xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản từ Thái Lan đến Hương Cảng (Trung Quốc) chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp cách mạng của Người mà còn là bước ngoặt lịch sử vĩ đại, quyết định quá trình phát triển của dân tộc ta.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-02-1930) và việc ngay từ khi ra đời, Đảng đã xác định Cương lĩnh chính trị đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản1, chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nước ta lúc đó. Bởi vì chính đường lối này là cơ sở đảm bảo cho sự tập  hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này. Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, bước đi của cách mạng Việt Nam trong suốt 93 năm qua (1930 - 2023).

Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

-------------------------------------------------

          1. Với quan niệm duy vật về lịch sử, trong cuốn “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xây dựng cơ sở lý luận vững chắc cho sự phát triển tư tưởng về cách mạng vô sản. Theo các ông, cách mạng vô sản là một quy luật tất yếu mà lịch sử phải trải qua trong tiến trình vận động, phát triển của nó. Những tiền đề vật chất của cuộc cách mạng đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự hình thành giai cấp vô sản. Về tính chất, nó là cuộc cách mạng triệt để, toàn diện và sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại. Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong “Hệ tư tưởng Đức” về cách mạng vô sản vẫn còn nguyên giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn.

 

Giai đoạn từ năm 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, sau đó tiếp tục bước vào các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1986, Đảng lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Năm 2020 và 2021, mặc dù kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, năm 2022, GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong 11 năm qua (2011 - 2022). Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Đối với tỉnh Quảng Trị, công tác vận động, xúc tiến thành lập các tổ chức cộng sản diễn ra mạnh mẽ từ đầu năm 1929. Mặc dù trong bối cảnh bị thực dân Pháp và bọn mật thám lùng bắt, vây ráp, đàn áp, không ít đồng chí lãnh đạo bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày, hi sinh, có lúc công tác xây dựng Đảng bị chững lại, nhưng các đồng chí lãnh đạo nêu cao ý chí quyết tâm, tìm nhiều phương pháp vận động những thanh niên yêu nước và thành lập Chi bộ An Tiêm vào ngày 16/5/1929 - tổ chức Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Vừa mới ra đời, Chi bộ đã lãnh đạo công tác xã hội, công tác tư tưởng như rải truyền đơn, dạy chữ quốc ngữ…rất hiệu quả. Hoạt động của Chi bộ An Tiêm đã ảnh hưởng mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, nhiều thanh niên yêu nước nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó, Chi bộ Tân Tường (Cam Lộ), Tường Vân (Triệu Phong) ra đời. Tháng 11 năm 1930, Tỉnh ủy chính thức được thành lập, đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư - là một trong những Đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước.

Từ 3 chi bộ đầu tiên An Tiêm, Tân Tường và Tường Vân đến nay toàn Đảng bộ đã có 48.986 đảng viên, 2.210 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 507 đảng bộ, chi bộ cơ sở2, trải qua 17 kỳ đại hội đảng bộ tỉnh.

Cùng với cả nước, Tỉnh ủy Quảng Trị đã lãnh đạo Nhân dân, hoàn thành mục tiêu cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khát vọng đổi mới, sáng tạo xây dựng Quảng Trị giàu đẹp, văn minh đang được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng lòng, quyết tâm thực hiện. Lê Thị Liên

 

3052 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 816
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 817
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022194