|
Các điểm ngầm tràn trên địa bàn huyện Bố Trạch, Quảng Bình đều đã cảnh báo và có lực lượng chốt chặn người và phương tiện qua lại (Nguồn ảnh: baoquangbinh.vn) |
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, về tình hình lũ, ngập lụt, tại khu vực Trung Bộ, lũ sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang lên; lúc 4h00 ngày 18/10, mực nước sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 3,05m, trên báo động 3 với 0,35m; dự báo đạt đỉnh ở mức 3,2m.
Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã đạt đỉnh ở mức báo động 1 đến trên báo động 2. Riêng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), Vu Gia (Quảng Nam) ở mức báo động 3. Lũ gây ngập lụt cục bộ một số khu vực trũng, thấp ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, tại Quảng Bình, có 23 xã/1326 hộ bị ngập, trong đó huyện Lệ Thủy có 16 xã /1076 hộ bị ngập từ 0,2-0,5m; huyện Quảng Ninh có 5 xã/99 hộ bị ngập từ 0,2-0,4m; huyện Bố Trạch có 3 xã/155 hộ bị ngập từ 0,3-1,2m.
Tại Quảng Trị, 6 xã ven sông Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng (xã Hải Phong, Hải Hưng, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Định, Hải Trường) và một số điểm thuộc thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị bị ngập cục bộ. Tại Thừa Thiên Huế, ngập cục bộ khu vực ven sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của mưa lũ đã làm 3 người chết (Nghệ An 2; Hòa Bình 1); 3 người mất tích (Quảng Bình 2; Quảng Trị 1).
Về giao thông, 76 vị trí sạt lở đường giao thông địa phương gây ách tắc giao thông (Huế 6; Quảng Nam 31; Nghệ An 33; Quảng Bình 6). Đồng thời, 36 điểm đường Quốc lộ (Huế 17; Quảng Nam 14; Nghệ An 1, Quảng Bình 5; Đắk Lắk 1) và 143 tràn, điểm đường giao thông nội tỉnh bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông.
Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.
Về nông nghiệp, 1.976 ha lúa và 59 ha diện tích hoa màu, cây cảnh các loại bị ngập, cuốn trôi.
Triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ, các tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có công điện, văn bản chỉ đạo Sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó; tổ chức sơ tán 972 hộ dân khu vực ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất (Quảng Bình: 43 hộ; Quảng Trị: 267 hộ; Quảng Nam: 236 hộ; Đắk Lăk: 426 hộ) đến nơi an toàn. Tỉnh Quảng Bình dự kiến tiếp tục sơ tán 1.200 hộ vùng trũng huyện Lệ Thủy trường hợp mực nước vượt báo động 3 0,5m và tiếp tục lên.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh.
Rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020. Đồng thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập. Tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập; thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ./.